HoREA kiến nghị khơi thông cho thị trường bất động sản
(Xây dựng) – Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhưng chưa được các Bộ, ngành thực hiện triệt để.
Dự án Nhà ở xã hội CT-05 (LILYA GARDEN) và CT-06 (MIMOSA GARDEN), Khu đô thị mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 2 (HUD MELINH CENTRAL) huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội. |
Chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Theo HoREA, năm 2023 là năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã cùng các địa phương tập trung nỗ lực rất lớn để “giải cứu” thị trường bất động sản, tiếp xúc các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, khó khăn để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nhờ đó, thị trường bất động sản hiện nay tuy vẫn còn rất khó khăn nhưng đã đi qua “vùng đáy” và đang trong quá trình dần phục hồi và có thể phát triển vững vàng hơn từ nửa cuối năm 2024 trở đi.
Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng trăm Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, văn bản chỉ đạo điều hành, công điện, tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, Hiệp hội và các chuyên gia. Điển hình là Nghị quyết 33/NQ-CP và Nghị quyết 97/NQ-CP của Chính phủ đã xác định tổng thể các giải pháp, đặc biệt là quan điểm “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”, trong đó đã yêu cầu “các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường”, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Tiếp theo là Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ cánh mềm”; Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc về cấp “sổ hồng” cho khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); Nghị định 35/2023/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc pháp lý thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép gia hạn thời gian trả nợ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành của một số quy định bất hợp lý của Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, ngày 3/4/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay thông thường để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.
Sớm ban hành Nghị định quy định về giá đất
HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất” để tháo gỡ vướng mắc về công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại để bảo đảm không thất thu ngân sách Nhà nước, để cấp “sổ hồng” cho khách hàng và để chủ đầu tư dự án hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước và khách hàng.
Hiệp hội nhận thấy, do bất cập của một số quy định của Nghị định 44/2014/NĐ-CP trong công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dẫn đến hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại trong cả nước không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nên không thể thực hiện được thủ tục cấp “sổ hồng” cho khách hàng, vừa làm phát sinh khiếu kiện gây mất trật tự xã hội, vừa làm thất thu ngân sách Nhà nước, vừa không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng là chủ sở hữu nhà, vừa làm thiệt hại cho chủ đầu tư dự án, bị ảnh hưởng uy tín thương hiệu và không thu được số tiền 5% giá trị hợp đồng còn lại, mà việc bị chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà không phải do “lỗi” của chủ đầu tư.
HoREA kiến nghị khơi thông cho thị trường bất động sản. |
Trong khi chờ đợi Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để xử lý vướng mắc này mà vẫn phải bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 965/CĐ-TTg ngày 13/10/2023 và Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định phương pháp định giá đất trong tháng 10/2023”.
Hiệp hội được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Dự thảo Nghị định này vào cuối tháng 10/2023 và đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Do vậy Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất” để tháo gỡ vướng mắc về công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại để bảo đảm không thất thu ngân sách Nhà nước, để cấp “sổ hồng” cho khách hàng và để chủ đầu tư dự án hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước và khách hàng.
Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu
HoREA đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét gia hạn Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 thêm 12 tháng đến hết ngày 31/12/2024 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.
Hiệp hội nhận thấy, Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội “về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, tại Điều 10 quy định “Xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản: 1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây; a) Dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; b) Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; c) Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; d) Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; 2. Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng”.
Quy định này đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu trong giai đoạn từ năm 2017 cho đến nay, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, nhưng Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023.
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025 (sau 1 năm nữa) nên sẽ phát sinh “khoảng trống pháp lý” trong năm 2024 do trong thời gian này thì chưa áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản 2023, còn Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội thì đã hết hiệu lực. Do vậy, HoREA đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét gia hạn Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 thêm 12 tháng đến hết ngày 31/12/2024 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.
Nguồn: Báo xây dựng