Dấu ấn nổi bật trong công tác quản lý về đo lường
Hoạt động đo lường có vai trò quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, an ninh, quốc phòng…ở mỗi quốc gia, trên phạm vi khu vực và toàn thế giới. Việc áp dụng hệ đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.
Ngành Đo lường là ngành khoa học, kỹ thuật chính xác, là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế thế giới. Không có khoa học, kỹ thuật đo lường chính xác, chúng ta sẽ không đảm bảo độ chính xác và tin cậy, không thúc đẩy được hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển, không thể đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Ngày 20/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 8/SL quy định thống nhất đo lường nước ta theo Hệ Mét – Hệ đo lường khoa học và tiên tiến trên thế giới. Theo Sắc lệnh này, đo lường hệ Mét được chính thức công bố áp dụng ở nước ta, điều này cũng đã thể hiện sự sáng suốt của Đảng và Nhà nước trong việc tạo tiền đề thuận lợi có tính chất quyết định cho việc phát triển hoạt động đo lường ở Việt Nam. Sắc lệnh 8/SL chính là văn bản pháp luật đầu tiên về đo lường của chính quyền cách mạng nước ta và cũng là điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của ngành Đo lường Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Để ghi nhận những đóng góp của ngành Đo lường Việt Nam, ngày 11/10/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20/01 hàng năm là Ngày Đo lường Việt Nam. Ngày Đo lường Việt Nam 20/01 hàng năm đã thực sự trở thành ngày truyền thống, đoàn kết, gắn bó thân thiết của tất cả những người làm công tác đo lường trong cả nước và là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh, động viên, khuyến khích cán bộ làm công tác đo lường và thúc đẩy hơn nữa hoạt động đo lường nước ta ngày càng phát triển, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Hưởng ứng kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam, năm 2023, trong công tác quản lý về đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, trong đó, tập trung rà soát, xây dựng VBQPPL, văn bản quản lý về đo lường nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong công tác quản lý nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Tổng cục đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho các Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố và các tổ chức doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng các VBQPPL về đo lường.
Cụ thể: Tổng cục đã thực hiện việc quản lý, xây dựng, trình ban hành 51 văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN); cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 123 lượt đơn vị (tăng 23% so với năm 2022); chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 80 lượt đơn vị (tăng 11% so với năm 2022); chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 cho 150 lượt đơn vị (tăng 10% so với năm 2022); chứng nhận cấp thẻ kiểm định viên đo lường 223 lượt đơn vị (tăng 27% so với năm 2022); phê duyệt 2719 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (giảm 18% so với năm 2022);
Chỉ định tổ chức kiểm định đối chứng đồng hồ nước lạnh và công tơ điện 19 lượt đơn vị (giảm 24% so với năm 2022); kiểm tra nhà nước về đo lường 19 đơn vị (tăng 26% so với năm 2022); hướng dẫn hơn 500 tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo, cách ghi định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn, đăng ký và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường…
Tổng cục cũng tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996) theo kế hoạch, mục tiêu của đề án với một số kết quả nổi bật góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, Tổng cục đang triển khai xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030 và đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Hà My