Giá chung cư phi mã, liều mua căn hộ với 900 triệu đồng một năm tăng ngay nửa tỷ
Với số tiền tiết kiệm 900 triệu đồng, vợ chồng tôi đã vay ngân hàng thêm 700 triệu đồng để mua nhà Hà Nội. Sau một năm nhìn lại thì thấy mình đã có quyết định đúng đắn.
Vợ chồng tôi đều là dân tỉnh lẻ đang làm việc ở Hà Nội, hiện có một bé trai 7 tuổi. Đi làm xa quê và ở trọ nhiều năm, không ít lần phải chuyển chỗ ở nên chúng tôi luôn khao khát có căn nhà Hà Nội của riêng mình.
Sau nhiều năm tích góp, cuối năm 2022 chúng tôi có khoản tiền tiết kiệm 900 triệu đồng và bắt đầu tìm hiểu về các chung cư giá rẻ ở những khu vực xa.
Tham khảo qua một vài chung cư, vợ chồng tôi quyết định mua một căn ở Hà Đông, diện tích 69m2, 2 phòng ngủ, giá 1,7 tỷ đồng.
Gia đình nội ngoại kinh tế đều không khá giả nên mỗi bên hỗ trợ “lấy may” cho vợ chồng tôi 50 triệu đồng. Số tiền còn lại 700 triệu đồng chúng tôi phải vay ngân hàng.
Với nhiều người vay nợ 700 triệu đồng không phải quá lớn, nhưng với vợ chồng tôi, đó cũng là con số áp lực bởi thu nhập của chúng tôi không cao, lương chồng 15 triệu đồng/tháng, vợ 10 triệu đồng/tháng.
Chúng tôi được hưởng lãi suất ưu đãi 9% trong năm đầu tiên, những năm sau lãi suất thả nổi, ước tính khoảng 12-13%/năm.
Ban đầu, chúng tôi dự tính vay trong 10 năm vì tổng lãi và gốc phải trả sẽ ít hơn vay trong thời hạn dài. Tuy nhiên sau khi cân nhắc, để không bị áp lực quá về tài chính, chúng tôi quyết định vay trong 20 năm. Những năm đầu mỗi tháng cả gốc lẫn lãi phải trả khoảng 8-10 triệu đồng, sau đó giảm dần.
Quả thực sau khi mua nhà xong, chúng tôi mới thấy quyết định vay trong thời hạn dài là sáng suốt. Bởi bước sang năm 2023, không ngờ kinh tế lại khó khăn hơn, công ty chồng tôi làm việc kinh doanh không thuận lợi nên cắt giảm nhân sự và giảm lương. Lương của chồng tôi từ 15 triệu xuống còn 10 triệu đồng/tháng.
Có nên đợi đủ tiền mới mua chung cư khi giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt? (Ảnh minh hoạ: Hồng Khanh) |
Đó là khoảng thời gian rất áp lực vì tổng thu nhập của hai vợ chồng sau khi trả lãi ngân hàng và chi tiêu sinh hoạt, đóng học cho con… thì hầu như không dôi dư ra đồng nào, thậm chí có tháng phát sinh hiếu hỉ nhiều còn âm.
Phải mất đến nửa năm khó khăn như thế nhưng vợ chồng tôi đồng lòng, không ai chán nản mà động viên nhau phải cố gắng.
May sao, sau đó chồng tôi kiếm được công việc khác có thu nhập cao hơn, với 17 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi cũng nỗ lực hơn, ngày đi làm, tối tranh thủ bán hàng online cho cư dân trong chung cư, mỗi tháng tăng thêm thu nhập được 2-3 triệu đồng.
Hiện vợ chồng tôi vẫn chưa vơi gánh nặng nợ nần nhưng nhìn lại một năm qua thì chúng tôi thấy mừng vì đã dám liều vay tiền mua nhà. Nhờ có căn nhà của mình, chúng tôi tiết kiệm được khoản tiền thuê trọ, dù phải đi làm xa hơn nhưng tâm lý thoải mái, không phải thấp thỏm lo bị chủ trọ đòi phòng như trước kia. Nhờ có khoản nợ trên vai mà chúng tôi cùng nhau cố gắng để gia tăng thu nhập.
Cũng phải nói thêm rằng, căn hộ chúng tôi mua đã tăng giá cả nửa tỷ đồng chỉ sau khoảng 1 năm. Theo thông tin rao bán, căn hộ có diện tích tương tự như nhà chúng tôi hiện có giá khoảng 2,2-2,3 tỷ đồng.
Tính ra nếu thời điểm đó chúng tôi không mạnh dạn vay tiền để mua, mà lại chờ đợi làm lụng tích lũy thêm để giảm bớt số tiền phải vay ngân hàng, thì đến thời điểm này đã không có nhà, hoặc muốn mua thì lại phải vay số tiền lên đến cả tỷ.
Hơn nữa, hiện nay lãi suất huy động giảm, lãi suất thả nổi chúng tôi vay mua nhà được tính theo lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng + 3% nên trong thời gian tới, mức lãi suất cũng sẽ dễ thở hơn so với tính toán của chúng tôi ban đầu.
Tôi biết có nhiều người giống vợ chồng tôi, thu nhập không cao nhưng vẫn mong muốn mua được nhà Hà Nội để an cư lạc nghiệp. Chia sẻ câu chuyện của mình, tôi muốn khuyên mọi người đừng đợi đủ tiền mới mua nhà vì chẳng biết bao giờ mới đủ, hoặc đến khi đủ số tiền mong muốn thì giá nhà có thể đã thiết lập ở một ngưỡng cao mới rồi.
Vì thế, hãy tính toán để vay mượn trong khả năng cho phép và vay trong thời gian dài để giảm bớt áp lực, cũng dễ xoay xở hơn nếu có tình huống bất ngờ xảy ra khiến thu nhập sụt giảm, ảnh hưởng đến việc trả nợ.
Nguồn: Báo xây dựng