Những vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), khả năng tận dụng của Việt Nam mới chỉ đạt 12,1%.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chỉ ra 3 nguyên nhân để lý giải cho câu hỏi tại sao EVFTA mang lại những ưu đãi vượt trội nhưng mức độ khai thác lại thấp. Thứ nhất, hạn chế về logistics và vận chuyển khiến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam ưa thích những thị trường gần. Thứ hai, do sự khác biệt lớn về tiêu chuẩn, quản lý chất lượng giữa Việt Nam và châu Âu nên các DN Việt Nam có tâm lý ưu tiên những thị trường có sự tương đồng về tiêu chuẩn. Thứ ba, các DN cũng ưu tiên lựa chọn những thị trường có ý thức tiêu dùng tương tự, trong khi thị trường châu Âu lại có nhiều khác biệt so với Việt Nam.

Những điểm hạn chế kể trên cũng cho thấy dư địa còn rất lớn cho nông sản Việt Nam tại thị trường EU. Tuy nhiên, bà Linh lưu ý rằng nếu không nhanh chóng tận dụng ưu đãi từ EVFTA, cơ hội có thể sẽ mất đi vì EU đang chuẩn bị kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Thái Lan. Trong khi đây lại là đối thủ đáng gờm với rất nhiều mặt hàng của Việt Nam, nên nếu có FTA chắc chắn hàng Thái Lan sẽ có sự phát triển rất nhanh tại EU.

Do đó, vấn đề cần chú trọng khi xuất khẩu nông sản sang EU bao gồm: Đồng bộ tổ chức sản xuất, trang bị kiến thức, thay đổi thói quen, tập quán canh tác cần được nhanh chóng giải quyết để các mặt hàng nông sản Việt Nam có thể mở rộng thêm cơ hội thâm nhập vào thị trường EU.

Cần đồng bộ trong công tác tổ chức sản xuất

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), bắt đầu thực hiện từ năm 2012 đến nay mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã đem lại những kết quả tích cực: Chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật đến nông dân trên diện rộng; tập hợp những diện tích sản xuất nhỏ thành cánh đồng lớn, tạo điều kiện tham gia hình thành các chuỗi liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất đem lại hiệu quả cao, phù hợp định hướng cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thành công của mô hình đến từ sự liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT nhận định, áp dụng thành công từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, việc tạo sự liên kết sẽ giúp công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật được triển khai dễ dàng. Chính vì vậy, đồng bộ từ khâu xuất khẩu cho đến mô hình tổ chức sản xuất là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Tiêu chuẩn của thị trường EU về an toàn thực phẩm cao nhất thế giới, tạo rào cản khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Trang bị kiến thức

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng, từ trước đến nay, công tác khuyến nông thiên về chuyển giao tiến bộ kĩ thuật nhưng hướng dẫn cụ thể không được quan tâm nhiều. Muốn khuyến nông tốt đầu tiên phải có cán bộ khuyến nông, cán bộ khuyến nông cần trang bị kiến thức, tổ chức chương trình để phổ biến kiến thức cho đối tác, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, nông dân, người sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết về quy định của các nước nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy thương mại an toàn.

Việc trang bị kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật với nông sản có nguồn gốc thực vật là chìa khóa để tiếp cận thành công thị trường EU, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho thị trường nông sản Việt Nam.

EU là thị trường hấp thu sản phẩm hữu cơ rất lớn và sẵn sàng trả giá cao để sản xuất hữu cơ. Dự báo đến năm 2040-2050, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ cân bằng và vượt so với thị trường thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Các nước trên thế giới trong đó có thị trường EU đều coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. EU đã tạo thỏa thuận xanh, phấn đấu đến năm 2030 diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của EU sẽ chiếm 25% tổng diện tích canh tác.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, chính vì vậy, đồng bộ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là tất yếu. Thuốc bảo vệ thực vật hóa học sẽ dần được thay thế bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%; tăng lượng sử dụng thuốc sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng; nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 90% so với tổng số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.

Cùng với đó, ít nhất 80% địa phương tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng; xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm: lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn.

Khánh Mai

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích