UDIC giữ vững vị thế đơn vị chủ lực của Hà Nội

(Xây dựng) – Nhờ giữ vững uy tín và thương hiệu trên thị trường trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, năm 2023, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (UDIC) đã triển khai thi công đạt yêu cầu nhiều loại hình công trình, hạng mục công trình trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nước. Nhìn chung, tất cả các công trình do Tổng Công ty thi công đều đảm bảo chất lượng, tiến độ.

UDIC giữ vững vị thế đơn vị chủ lực của Hà Nội
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Vượt khó trong khủng hoảng

Năm 2023, ngành xây dựng – bất động sản rơi vào khủng hoảng và suy thoái, nguồn việc thu hẹp, nhiều áp lực về tài chính, rủi ro – nợ xấu tăng cao trong khi lĩnh vực xây dựng công nghiệp và hạ tầng chưa đạt tới trạng thái bùng nổ như kỳ vọng mặc dù Chính phủ đã tích cực thúc đẩy đầu tư công. Nhiều doanh nghiệp xây dựng chìm trong khó khăn, lợi nhuận suy giảm, một số rơi vào cảnh thua lỗ, số khác phải bán tài sản, vật tư để thoát lỗ, nhằm duy trì bộ máy. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn khó lường, để ổn định, phục hồi sản xuất vẫn đang là bài toán vô cùng nan giải với doanh nghiệp.

Trong điều kiện sản xuất – kinh doanh (SXKD) vô cùng khó khăn, bằng nhiều giải pháp cụ thể, UDIC đã khắc phục khó khăn, tạo ra sự phát triển ổn định. Năm 2023, giá trị sản lượng của Tổng Công ty là 5.005,35 tỷ đồng, đạt 100,39% kế hoạch, tăng 1,22% so với thực hiện năm 2022. Doanh thu 6.702,43 tỷ đồng, đạt 101,09% kế hoạch. Lợi nhuận thực hiện đạt 1.142 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước là 384 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 9 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Luyến – Tổng Giám đốc Tổng Công ty UDIC: Năm vừa qua, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều biến động, vướng mắc về cơ chế chính sách, lãi suất những tháng đầu năm tăng cao, trái phiếu, giá cả vật liệu tăng cao thị trường bất động sản Việt Nam bị ảnh hưởng trầm trọng. Trong điều kiện SXKD vô cùng khó khăn, UDIC đã bám sát và chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội về các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu mô hình hoạt động; ưu tiên tập trung phát triển ngành nghề mũi nhọn; tối đa hóa dòng tiền thực thu; rà soát cắt giảm chi phí; xây dựng phương án nhân sự hợp lý, hiệu quả; đẩy mạnh tham gia đấu thầu xây lắp, tìm kiếm việc làm…

UDIC giữ vững vị thế đơn vị chủ lực của Hà Nội
Ông Giang Quốc Trung – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty UDIC lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Tuy thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các dự án do UDIC làm chủ đầu tư luôn thực hiện đúng tiến độ, chất lượng sản phẩm tốt, đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Trong năm, Tổng Công ty đã hoàn thành xây dựng, bàn giao (hoặc chuẩn bị bàn giao) cho khách hàng một số dự án như: Trung Yên Plaza, 210 Quang Trung, UDIC RIVERDISE 1, Yên Hòa Park View, Chelsea Residences. Đối với Dự án UDIC WestLake đã ký Hợp đồng 406/408 căn, trong đó 395 căn hộ nộp đủ 95% giá trị Hợp đồng và có hơn 150 căn đã cấp sổ đỏ.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, Tổng Công ty tiếp tục tập trung triển khai các dự án, bao gồm: Cụm công nghiệp CN3, Dự án nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình (liên danh cùng Công ty Haweicco và Công ty DAC); Dự án Khu nhà ở thương mại xứ Đồng Kênh tại xã An Dương, thành phố Hải Phòng; Dự án Tòa nhà văn phòng tại 202 đường Bưởi. Đối với dự án Khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra, năm 2023 Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long tiếp tục triển khai thực hiện tại các lô thấp tầng BT02, BT03, BT04, BT06, BT07, TT01-TT19, I.C.41 (Lô P). Đối với các dự án cao tầng CT07, IV.G.51, IV.G.52 đang điều chỉnh thiết kế và giải phóng mặt bằng đối với ô đất CT07. Đồng thời, tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn III.

Theo kế hoạch, năm 2024 UDIC tiếp tục triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án: Tòa nhà văn phòng tại ô đất B2, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy; UDIC Riverside 2; UDIC Phú Quốc Resort; Nhà ở thương mại bán cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) Thành phố… đồng thời mở rộng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các địa bàn ngoài Hà Nội như Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bình Định…

Huy động tất cả nguồn lực cho xây lắp và đấu thầu

Mấy năm gần đây, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng. Điều này dẫn đến việc hầu hết doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình cảnh lao đao và luôn trong trạng thái “đói việc”. Để duy trì lĩnh vực xây lắp, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã có những chỉ đạo quyết liệt, đưa ra nhiều định hướng, giải pháp kịp thời, đã huy động tất cả nguồn lực sẵn có để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi, từ đó đưa lĩnh vực xây lắp hoạt động ổn định.

Phát huy lợi thế phần lớn các công trình xây dựng năm 2023 là công trình chuyển tiếp từ năm 2022 nên một số đơn vị xây lắp của UDIC đã có nguồn công việc ổn định ngay từ đầu năm. Do vậy năm 2023, Tổng Công ty đã triển khai thi công đạt yêu cầu nhiều loại hình công trình, hạng mục công trình trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nước như: Gói thầu Xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị tòa nhà C7 trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Học viện chính sách phát triển; Hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp CN3; Trụ sở Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; Gói thầu số 25 công viên, cây xanh, quảng trường khu hành chính tập trung Huế; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B tỉnh Lạng Sơn; Gói thầu CW03, CW10 thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc (vay vốn Ngân hàng Thế giới WB); Gói thầu số 10 Dự án ĐTXD đường Vành đai 4; Chung cư Trần Bình Trọng (Quy Nhơn); Nhà ga hành khách Cảng hàng không Điện Biên…

Quá trình thực hiện, các doanh nghiệp thành viên đã chủ động linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thi công, rà soát tối ưu biện pháp thi công nhằm tiết giảm chi phí, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị thi công rút ngắn thời gian thi công, đẩy mạnh công tác lập hồ sơ hoàn công thanh quyết toán khối lượng hoàn thành, quan tâm tốt đến công tác vệ sinh – an toàn lao động tại công trường. Tất cả các công trình do Tổng Công ty thi công đều đảm bảo chất lượng, tiến độ.

UDIC giữ vững vị thế đơn vị chủ lực của Hà Nội
Phó Bí Thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty UDIC Nguyễn Văn Luyến báo cáo Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024.

Đi đôi với công tác thi công xây lắp, công tác đấu thầu – phát triển thị trường luôn được Tổng Công ty đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, qua đánh giá tình hình thị trường Tổng Công ty chỉ lựa chọn và tham gia đấu thầu các dự án có nguồn vốn tốt cũng như sẵn có mặt bằng thi công, tránh tình trạng dự án trúng thầu có hiệu quả kinh doanh thấp hoặc bị chiếm dụng vốn. Kết quả, tổng giá trị trúng thầu năm 2023 của Công ty mẹ đạt 885 tỷ đồng. Một số gói thầu giá trị lớn như: Gói thầu số 10 Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Nhà ga hành khách – Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Trường THCS Tân Lập – Đan Phượng, Bệnh viện phụ sản giai đoạn II Hải Dương, Nâng cấp cải tạo tuyến đường Tích Giang đi Trung Sơn Trầm… Những gói thầu này đã bổ sung nguồn việc cho khối thi công xây lắp hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2023 cũng như gối đầu chuyển tiếp sang năm 2024 và duy trì năng lực kinh nghiệm thi công các loại hình công trình.

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, hầu hết doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) của UDIC gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm mặc dù đã phải điều chỉnh giá bán, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đến các thị trường mới. Một số đơn vị đã chủ động hoàn thiện công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ để đổi mới tính năng, mẫu mã giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Năm 2023, khối sản xuất công nghiệp và VLXD của UDIC đã đạt được kết quả sản xuất kinh doanh với giá trị sản lượng là 668 tỷ đồng, đạt 72,67% kế hoạch năm. Giá trị doanh thu là 919,7 tỷ đồng đạt 80,72% kế hoạch năm.

Khối Tư vấn thiết kế đã chủ động tích cực trong việc tìm kiếm việc làm, đã có những định hướng mở rộng thị trường sang mảng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong khi vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách. Các doanh nghiệp đã không quản khó khăn khi mở rộng địa bàn hoạt động khắp cả nước nhằm tìm kiếm thêm việc làm cho người lao động.

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động

Năm 2023, các biện pháp tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của 100% công trình đều đảm bảo được kiểm duyệt trong quá trình tham gia đấu thầu và trước khi trình lãnh đạo Tổng Công ty phê duyệt sau khi trúng thầu. Các đơn vị đều đã thành lập bộ phận quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) từ cấp Xí nghiệp đến các công trường. Các loại máy móc, thiết bị khi đưa vào hoạt động tại công trường đều được kiểm tra, kiểm định nghiêm túc theo quy định pháp luật. Tháng 04/2023, Hội đồng ATVSLĐ Tổng Công ty đã tổ chức tập huấn về ATVSLĐ và cấp giấy chứng nhận huấn luyện cho 100% người làm công tác quản lý, người làm công tác về an toàn lao động và thẻ an toàn cho công nhân thi công trực tiếp theo quy định của Luật ATVSLĐ. Tháng 05/2023, Tổng Công ty đã thành lập Ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2023. Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch và đôn đốc các đơn vị thực hiện chương trình hưởng ứng tháng an toàn như: Treo băng rôn, khẩu hiệu tại công trường; thực hiện dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang công trường; tổ chức các cuộc kiểm tra, đánh giá nội bộ về an toàn…

Định kỳ 6 tháng/lần, Hội đồng ATVSLĐ Tổng Công ty tổ chức kiểm tra việc đảm bảo ATVSLĐ tại các công trường của đơn vị. Sau mỗi đợt kiểm tra đều có tổng kết, báo cáo đánh giá việc thực hiện gửi lãnh đạo Tổng Công ty và lãnh đạo các đơn vị. Kết quả năm 2023 toàn Tổng công ty không có vụ việc nào vi phạm ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Không có tranh chấp lao động tập thể đình công. Đời sống, việc làm, thu nhập và các quyền lợi về BHXH, BHYT của người lao động được đảm bảo.

UDIC giữ vững vị thế đơn vị chủ lực của Hà Nội
Tuyên dương các tập thể, cá nhân đạt thành tích năm 2023.

Tổng Công ty cũng đã ban hành kế hoạch phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số đến năm 2025 và dự toán kinh phí, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đầu tư mua quyền sử dụng, quyền sở hữu chương trình máy tính; Đào tạo về khoa học và công nghệ; Đào tạo nhận thức an toàn thông tin năm 2023 với giá trị hơn 3,6 tỷ đồng nhằm đào tạo nâng cao kỹ năng và nhận thức về công nghệ thông tin, đổi mới phần mềm ứng dụng, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số để nâng cao năng quản trị công ty, tăng năng suất, giảm chi phí… để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác, Công đoàn Tổng Công ty cũng đã triển khai các hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đặc biệt trong các dịp Tết Nguyên đán với phương châm đảm bảo cho người lao động yên tâm vui Xuân, đón Tết qua đó góp phần ổn định tư tưởng người lao động, góp phần đảm bảo an ninh chính trị nội bộ.

UDIC giữ vững vị thế đơn vị chủ lực của Hà Nội
Quang cảnh Hội nghị.

Các cấp Công đoàn Tổng Công ty tích cực tham gia xây dựng phương án trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi trong dịp Tết Nguyên đán sớm công khai cho người lao động được biết để người lao động yên tâm công tác, tránh các vụ tranh chấp lao động có thể xảy ra. Triển khai các gói hỗ trợ theo chương trình của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội với phương châm lan tỏa để mọi người lao động đều có Tết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích