6 ngành hàng áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon khi xuất khẩu vào EU

(Xây dựng) – Liên minh châu Âu (EU) là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, đến hết năm 2025, EU mới chỉ áp dụng CBAM đối với 6 ngành hàng gồm: Xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí khải carbon cao.

6 ngành hàng áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon khi xuất khẩu vào EU
Ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA).

Hiện nay, các nhà nhập khẩu 6 ngành hàng này của EU sẽ phải báo cáo về khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, nhưng không phải trả bất kỳ khoản phí nào ở giai đoạn này. Các nhà nhập khẩu được yêu cầu thu thập dữ liệu của quý IV/2023 và nộp báo cáo đầu tiên trước ngày 31/1/2024.

CBAM được áp dụng nhằm kích thích phong trào toàn cầu hướng tới sản xuất xanh hơn và ngăn chặn tình trạng các nhà sản xuất ở châu Âu chuyển hoạt động sản xuất đến các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn. Bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ bị tính thuế carbon, tức phải phải mua các chứng chỉ phát thải carbon (hay còn gọi là chứng chỉ CBAM), tương ứng với lượng phát thải carbon với phát thải carbon vượt quá tiêu chuẩn của EU.

Báo cáo Kết quả đánh giá tác động của CBAM cho thấy, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với không ít trở ngại trong quá trình chuyển đổi sản xuất để giảm thiểu phát thải, đáp ứng các yêu cầu về thuế carbon tại EU. Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với khó khăn do mức độ phức tạp về kỹ thuật liên quan đến xác định mức thuế carbon.

Theo đề xuất của EU, cách tính phát thải dựa trên phát thải thực tế, theo đó doanh nghiệp phải tự đo đếm được mức phát thải, nếu không xác định được mức phát thải đầy đủ hoặc trong trường hợp phát thải gián tiếp, giá trị mặc định sẽ được sử dụng để xác định phát thải của hàng hóa. Đến nay, đã có 27 quốc gia thành viên EU hiện nay đang thực hiện thí điểm CBAM, sau đó sẽ có hiệu lực chính thức từ năm 2026. Hoạt động trao đổi thương mại với EU ngày càng gia tăng, về lâu dài, CBAM sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sang EU.

Xuất khẩu xanh đang là đòi hỏi bắt buộc nếu các quốc gia muốn bán hàng vào thị trường châu Âu. Để giảm thiểu tác động của thuế carbon, giữ lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu sang EU hay tới đây là nhiều thị trường khác, các ngành sản xuất phải có phương án đầu tư chuyển đổi sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng tận dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tối đa nguồn thải ra môi trường… Chậm trễ chuyển đổi, đồng nghĩa với việc giảm cơ hội xuất khẩu.

Việt Nam đã tham gia và ký kết các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2030 là 27% so với kịch bản phát triển thông thường. Kiểm kê khí thải nhà kính (KNK) là hoạt động quan trọng để xác định lượng phát thải khí nhà kính của các nguồn phát thải, từ đó có cơ sở để đề ra các giải pháp giảm phát thải. Theo Quyết định 01/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp có tên trong danh sách bắt buộc thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 1.912 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính. Từ năm 2024 trở đi, doanh nghiệp sẽ tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê KNK cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần và gửi về UBND cấp tỉnh để thẩm định để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Hiện đã có các văn bản pháp lý của Chính phủ quy định cụ thể tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg: Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK; Quyết định 2626/QĐ-BTNMT: Công bố danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính; Thông tư 17/2022-BTNMT: Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải.

6 ngành hàng áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon khi xuất khẩu vào EU
Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp” tại Bộ Xây dựng.

Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp”, ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) cho biết: Việc áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thường tốn kém hơn so với các giải pháp truyền thống. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện. Một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, các công nghệ này vẫn còn chưa phổ biến ở Việt Nam (như công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon). CCTPA rất hy vọng và đây là tâm tư lớn nhất của chúng tôi trong khuôn khổ giảm phát thải khí nhà kính đó chính là ngoài sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…), nâng cao hiệu quả sự dụng năng lượng, công nghệ xanh thì chắc chắn tỷ lệ còn lại của KNK để trung hòa theo lộ trình 2050 Net-Zero là rất thách thức. CCTPA hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu và phát triển công nghệ lưu trữ carbon tại Việt Nam, và đang theo đuổi lớn dần với những cơ hội đem lại từ công nghệ rất tiên tiến này; thu hồi và lưu trữ carbon (CCS).

6 ngành hàng áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon khi xuất khẩu vào EU
Xi măng – một trong những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí thải carbon cao.

Việc giảm phát thải khí nhà kính trong xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị tại Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc giảm phát thải này cũng gặp phải những ràng buộc nhất định, bao gồm yếu tố từ nhu cầu tiên quyết phát triển nền kinh tế – xã hội, yếu tố kinh tế, yếu tố công nghệ. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng. Điều này dẫn đến nhu cầu gia tăng về xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị. Nếu không đáp ứng được nhu cầu này, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích