Vì sao giá quảng cáo Táo Quân hơn nửa tỷ cho 30s vẫn kín sóng nhiều năm qua?
Vì sao giá quảng cáo Táo Quân hơn nửa tỷ cho 30s vẫn kín sóng nhiều năm qua?
Mới đây, báo giá quảng cáo chính thức của chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2024” đã khiến nhiều người đặt câu hỏi với con số “khủng” này, liệu có bao giờ Táo Quân ế quảng cáo?
Cụ thể, theo Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd), Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, với 10 giây quảng cáo trong chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2024, doanh nghiệp phải trả 322.750.000 đồng. Với thời lượng 15 giây, mức giá được TVAD đưa ra là 387.300.000 đồng. Ở thời lượng 20 giây quảng cáo có giá 484.125.000 đồng. Đối với thời lượng 30 giây, mức giá được đưa ra là 645.500.000 đồng. Tương ứng, nếu thương hiệu muốn xuất hiện khoảng 1 phút trên sóng Táo Quân sẽ phải chi ít nhất khoảng 1,2 tỷ đồng. Mức giá trên chưa bao gồm thuế GTGT.
Dẫu có mức giá cao, song quảng cáo trên Táo Quân luôn kín sóng. Chương trình Táo Quân với tổng thời lượng khoảng 100 phút năm nào cũng dành tối đa 20 phút cho quảng cáo, chia làm 4 lần, mỗi lần 5 phút.
Năm 2021, 29 thương hiệu mua quảng cáo, đem về cho VTV khoảng 27 tỷ đồng. Đến năm 2022, 28 thương hiệu mua quảng cáo xuất hiện trên chương trình này với tổng thời lượng khoảng 11 phút 55 giây. Táo Quân năm 2023 đã thu về số tiền khoảng 28,6 tỷ đồng từ quảng cáo.
Trong chương trình Táo Quân 2022 và Táo Quân 2023, nhãn hàng “chịu chi” nhất là một ngân hàng đã “chiếm sóng” quảng cáo với thời lượng 140 giây trong chương trình này. Dựa theo bảng giá năm 2023 do TVAD thông báo, ngân hàng này sẽ phải chi ít nhất khoảng 3 tỷ đồng để được xuất hiện tại chương trình Táo Quân.
Các nghệ sĩ luôn được mong đợi trong Táo Quân. Ảnh: VTV
Bên cạnh đó, ngân hàng còn được hiện diện trong các banner quảng cáo của chương trình. Đặc biệt, đây cũng là thương hiệu duy nhất được Táo Kinh tế (Quang Thắng đóng) trực tiếp giới thiệu trên sóng chương trình năm 2023.
Với mức giá trên, nhiều người băn khoăn về việc liệu bỏ cả trăm triệu đồng cho vài chục giây ngắn ngủi lên sóng Táo Quân có xứng đáng?
Bài toán chi phí khi quảng cáo với giá cao trong Táo Quân
Chia sẻ quan điểm của mình về giá quảng cáo Táo Quân, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết:”Giá quảng cáo cho Táo Quân có thể coi là cao so với mặt bằng chung, nhưng con số thực tế mà một doanh nghiệp trả cho VTV có thể khác biệt. Điều này bởi vì trong thỏa thuận quảng cáo thường có các khoản chiết khấu và ưu đãi khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời lượng, thời điểm phát sóng và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đài truyền hình.
Quan trọng hơn, việc đánh giá giá trị của một quảng cáo không chỉ dựa trên con số chi phí mà còn dựa trên giá trị mà quảng cáo mang lại. Nếu một doanh nghiệp nhận thấy rằng việc quảng cáo trong Táo Quân có thể tiếp cận đúng đối tượng khán giả của họ và tạo ra hiệu ứng thương mại tích cực thì họ sẽ coi đó là một khoản đầu tư xứng đáng. Cuối cùng, quyết định tham gia quảng cáo sẽ phụ thuộc vào sự phù hợp giữa chi phí và giá trị mà quảng cáo mang lại cho doanh nghiệp.
Giả sử, 30% dân số Việt Nam, tương đương khoảng 30 triệu người xem Táo Quân. Khi chia doanh thu quảng cáo 30 tỷ đồng cho 30 triệu người, chi phí tiếp cận mỗi người là 1.000 đồng. Đây là một con số khá hợp lý khi xét đến giá trị thương hiệu của Táo Quân, một chương trình được mong đợi và yêu thích hàng năm. Sự kết hợp giữa độ phổ biến cao và vị thế đặc biệt của chương trình trong văn hóa Tết ở Việt Nam làm tăng giá trị của quảng cáo trên nền tảng này. Xét về mặt kinh tế và thương hiệu, 1.000 đồng cho mỗi lần tiếp cận người xem không phải là con số cao, đặc biệt khi so sánh với tầm ảnh hưởng và sự kết nối mà Táo Quân có với khán giả. Nếu có đủ nguồn lực thì đầu tư vào quảng cáo trong chương trình này có thể là một quyết định tốt, đặc biệt khi muốn tạo ấn tượng mạnh mẽ và đạt được độ phủ sóng rộng rãi.
Nhìn chung, dù thị trường quảng cáo có nhiều biến động nhưng Táo Quân vẫn là một lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu và sản phẩm của họ. Điều này không chỉ chứng tỏ giá trị thương mại của chương trình mà còn phản ánh sự kết nối mạnh mẽ giữa chương trình và người dân Việt Nam”.
Dàn nghệ sĩ trong chương trình Táo Quân 2023. Ảnh: VTV
Dự đoán về doanh thu quảng cáo trong Táo Quân 2024, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định: “Tôi cho rằng, doanh thu năm nay không tăng giảm nhiều. Do kinh tế không tốt, doanh nghiệp sẽ không mạnh tay chi tiền cho quảng cáo. Tuy nhiên, bài toán kinh doanh của Táo Quân khá đặc thù là một năm chỉ có một lần và số lượng khách hàng mà Táo Quân cần có lại không nhiều. Thế nên, dù tổng thể kinh tế khó khăn thì tìm ra vài doanh nghiệp vẫn làm ăn tốt để chịu chi tiền “khủng” cho quảng cáo lại không quá khó”.
Sức hút của Táo Quân
Nhìn ở góc độ người xem, vài năm trở lại đây, các mùa Táo Quân thường bị nhắc đến việc có quá nhiều quảng cáo trong chương trình. Thậm chí, một vài mùa như năm 2017, 2017, Táo Quân bị khán giả phản ứng vì hình thức quảng cáo trong nội dung kịch bản.
Về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nêu quan điểm: “Đúng là từ góc độ người xem, quảng cáo thường không được ưa chuộng, đặc biệt là trong những khoảnh khắc đặc biệt như Giao thừa khi mọi người muốn tập trung vào nội dung chính của chương trình và thời gian sum họp với gia đình. Trong khi việc này có thể không phải lúc nào cũng phù hợp với mong muốn của người xem, nó là một phần quan trọng của cơ cấu tài chính cho chương trình truyền hình và nền truyền thông nói chung.
Tuy nhiên, trong mô hình kinh tế thị trường hiện đại, quảng cáo là một phần không thể tránh khỏi của truyền hình miễn phí. Để có thể xem các chương trình mà không phải trả phí, khán giả phải chấp nhận xem quảng cáo, đây là một sự đánh đổi.
Về phía truyền thông, miễn là Táo Quân vẫn giữ được lượng khán giả đông đảo, việc tích hợp quảng cáo vào chương trình là hợp lý và cần thiết. Điều này không chỉ tạo ra nguồn thu nhập cho đài truyền hình mà còn cho phép doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận một lượng lớn khán giả tiềm năng.
Nghệ sĩ Quang Thắng và Tự Lọng tham gia chương trình Táo Quân 2023. Ảnh: VTV
Trên thực tế, trải qua 20 năm phát sóng, Táo Quân vẫn giữ vững sức hút là chương trình Tết hàng đầu được khán giả cả nước quan tâm và đón xem. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố để các nhãn hàng sẵn sàng chi tiền “khủng” để quảng cáo trên Táo Quân mỗi năm.
Sự ổn định này không chỉ phản ánh giá trị của Táo Quân như một phần không thể thiếu trong văn hóa Tết của Việt Nam, mà còn cho thấy khả năng của chương trình trong việc thu hút khán giả, đặc biệt là vào dịp Giao thừa. Đối với các nhà quảng cáo, đây là thời điểm vàng để tiếp cận một lượng lớn khán giả, điều này giải thích cho mức giá cao và doanh thu ổn định từ quảng cáo của chương trình” – chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho hay.
Khán giả Nga Nguyễn bày tỏ: “Tôi không khó chịu lắm khi có quảng cáo xen vào chương trình Táo Quân. Quảng cáo cũng toàn nội dung về Tết, lại hát hò sôi động nên càng thấy không khí Tết tươi vui hơn. Thêm nữa là có quảng cáo ngắt quãng giữa chương trình nên tôi tranh thủ làm việc gì đó mà không bị bỏ cả chương trình. Quảng cáo cũng cho thấy sức hút của chương trình và tôi cũng biết thêm nhiều sản phẩm hơn khi ngồi xem. Tuy nhiên, không nên chia nhiều lần quảng cáo trong chương trình quá và mỗi quảng cáo không lặp lại nhiều lần cùng lúc gây khó chịu”.
* Tiêu đề bài viết đã được thay đổi