Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh
Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh
Các khu phố cổ ở vùng đất Cố đô được xem là yếu tố quan trọng kết nối các giai đoạn hình thành đô thị Huế.
Trải qua thời gian, những khu phố cổ ấy được các cơ quan chức năng, tổ chức trong và ngoài nước đưa ra nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thế nhưng việc triển khai như thế nào vẫn là một bài toán khó.
Nhắc đến khu phố cổ ở Huế người ta sẽ nhớ đến ngay khu phố cổ nổi tiếng với sự sầm uất cùng với những công trình kiến trúc cổ kính nằm ở hạ nguồn sông Hương đó là Bao Vinh.
Còn lại gì nơi phố cổ?
Phố cổ Bao Vinh gắn liền với khu cảng Thanh Hà, cách Kinh thành Huế không xa về phía đông. Đây là khu cảng sầm uất của xứ Đàng Trong vào thế kỷ thứ XVIII và cũng là thương cảng của Kinh thành Phú Xuân vào giai đoạn đầu của triều đại nhà Nguyễn. Ngày nay khu phố này thuộc địa phận phường Hương Vinh, TP Huế. Vì nhiều lý do, phố cổ Bao Vinh từng có giai đoạn lụi tàn theo thời gian cũng như đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Về sau một số ngôi nhà cổ trên khu phố này đã được bảo tồn, nhưng nỗi lo ấy vẫn luôn hiện hữu.
Theo một vài nghiên cứu, nếu như vào năm 1991 khu phố nào có 39 ngôi nhà cổ thì hiện nay con số ấy giảm mạnh, chỉ còn khoảng 15 ngôi nhà có niên đại xấp xỉ 100 năm tuổi, nhiều ngôi nhà trong số ấy được đưa vào danh sách bảo tồn. Nhà phố cổ Bao Vinh cơ bản có kết cấu gỗ, mang phong cách nhà rường Huế nhưng được biến thể thành nhiều dạng mặt đứng cũng như quy mô, chiều cao, bố cục không gian để phù hợp với công năng.
Cùng với đó, nhiều công trình tín ngưỡng khác cũng tạo nên thương hiệu cho khu phố cổ này như đình Bao Vinh, đình Địa Linh, đình Thanh Hà, Thiên Hậu cung, đền Quan Thánh, miếu Trần Tiễn Thành… Trước áp lực của đô thị hóa, hiện nay hàng loạt nhà cao tầng được xây mới đã chèn ép những ngôi nhà cổ, cùng với đó thiên tai, bão lũ hàng năm đe dọa thường xuyên dẫn đến nhiều hộ dân phải cơi nới hoặc dỡ bỏ để xây mới.
Theo KTS Đỗ Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học và Công nghệ xây dựng miền Trung (Viện Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng) không gian kiến trúc phố cổ Bao Vinh đang đứng trước nguy cơ xóa sổ bởi những tòa nhà cao tầng. Vì thế cần phải hành động ngay để cứu những ngôi nhà cổ, những di tích còn lại.
Theo bà Mai, hành động ở đây đồng nghĩa với việc cần có sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn của chính quyền cũng như các tổ chức nước ngoài hoặc đưa ngay vào vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm để tu bổ. Ngoài ra, lập hồ sơ khảo sát, điều tra, kiểm kê, vẽ ghi, chụp ảnh, quay phim… toàn bộ các di tích, bao gồm các hạng mục có trên địa bàn phố cổ Thanh Hà – Bao Vinh.
Về lâu dài, cần khởi động lại dự án quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh. Trong đó chú trọng việc bảo tồn kết hợp với du lịch, thu hút du khách cũng như khai thác những tuyến du lịch bằng đường sông, đường biển đến và đi từ Thanh Hà – Bao Vinh.
Ngoài phố cổ, còn có nghề xưa
Trong khi đó TS Hoàng Thị Anh Đào (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) nhìn nhận, đặt trong mối tương quan thì Thanh Hà – Bao Vinh có vị trí rất quan trọng trong hoạt động thương mại của Đàng Trong không kém gì Hội An của Quảng Nam.
Theo TS Đào, ngoài quy hoạch xây dựng, bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh cần hướng đến việc trùng tu, phục hồi những giá trị nhà cổ Bao Vinh và các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử ở khu phố này. Đi kèm với đó, cần có dự án chỉnh trang hạ tầng phải có một số tiện ích như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh…
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh cho rằng, ngoài bảo tồn công trình kiến trúc phải gắn liền với bảo tồn, phát huy các nghề thủ công truyền thống đặc trưng của Bao Vinh như vẽ tranh gương, khảm xà cừ, làm bài tới… Theo TS Hạnh, các nghề truyền thống ấy do không nằm trong danh mục sản phẩm được ưu tiên nên chỉ tự thân vận động, ít có sự đổi mới, hiệu quả không cao nên đang rơi vào tình thế thất truyền vì không có đội ngũ kế cận.
Do vậy cần phải có giải pháp cấp bách, kịp thời cho sự vực dậy của những nghề truyền thống gắn liền với phố cổ Bao Vinh. Việc này cần đi theo hướng bảo tồn thích ứng và bảo tồn phát triển để phù hợp với điều kiện mới.
Hướng đi này cần khuyến khích mọi hình thức đổi mới sáng tạo với cộng hưởng của quy trình cũ và sự trợ giúp của công nghệ. Ngoài ra, phát triển sản phẩm mới dựa trên sản phẩm thủ công sẵn có, hướng đến các sản phẩm lưu niệm, các sản phẩm từ quá trình nghệ thuật hóa các sản phẩm dân dụng.
“Dù đổi mới thế nào các sản phẩm thủ công cũng phải giữ được những thông điệp di sản có tính đại diện cho địa phương. Song hành với đó, cần tạo ra không gian sáng tạo hấp dẫn gắn liền với nghề thủ công và ai cũng có thể mang sản phẩm đến để trưng bày, tổ chức hoạt động sáng tạo”, TS Tâm Hạnh chia sẻ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị