Bài 5: Tự hào thay, Việt Nam ta ơi!
(Xây dựng) – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng dầm mưa, dãi nắng, áo ướt đẫm mồ hôi đến thị sát các công trình trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2, công trình Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1… là những công trình xây dựng trọng điểm lớn nhất ĐBSCL do người Việt thiết kế và xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngợi khen.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng lãnh đạo các tỉnh trong vùng dự án bấm nút thực hiện nghi thức Lễ khánh thành dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. |
Một sáng cuối năm trời se lạnh, sông Tiền lộng gió, tại điểm cầu truyền hình Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 (sáng 24/12, tại Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 4 dự án: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Dự án cầu Mỹ Thuận 2). Đây là cây cầu bắc qua sông Tiền, nối đôi bờ Tiền Giang – Vĩnh Long, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ dài 120km đã thông suốt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã 5 lần đến thị sát công trình cầu Mỹ Thuận 2, luôn động viên nhà đầu tư, nhà thầu, công nhân vượt khó khăn, nỗ lực, huy động tối đa máy móc thiết bị và nhân lực, tập trung thi công 3 ca 4 kíp để hoàn thành công trình xây dựng sớm nhất. Đây cũng là công trình Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều tâm đắc và tự hào là công trình của Việt Nam. Đó chính là công trình do đội ngũ kiến trúc sư và đội ngũ kỹ sư, công nhân xây dựng Việt Nam tự thiết kế và thi công. Ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đúc kết và tự hào kể lại những điều đáng nhớ và kỳ diệu công trình cầu Mỹ Thuận 2: “Chúng ta nhớ lại cầu Mỹ Thuận 1 xây dựng trước đây: Chiều dài 1,5km, chiều rộng 23,7m, cao 120m; Tổng vốn đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng (gần 100 triệu USD); Thiết kế, thi công, giảm sát cơ bản phải thuê nước ngoài và thi công hết 36 tháng; Suất đầu tư là 5 nghìn USD/m2. Cầu Mỹ Thuận 2 ngày nay: Chiều dài gần 6,7km (gồm cầu là 1,9km; đường dẫn 4,7km); rộng 28,3m, cao 125m. Tổng vốn đầu tư gần 5 nghìn tỷ (đây là tiền của nhân dân ta, đất nước ta); Thiết kế, thi công, giám sát do người Việt Nam thực hiện và thi công 39 tháng trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; Suất đầu tư là 2,4 nghìn USD/m2”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức hợp long cầu Mỹ Thuận 2. |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đạt được điều kỳ diệu đó là: “Từ kết quả và ý nghĩa của các công trình khánh thành hôm nay, càng củng cố thêm cho chúng ta những kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng, trong đó: Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là khi gặp khó khăn, vướng mắc thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó. Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của nhân dân”.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ dài 120km. Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và Thành phố Cần Thơ nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi trong mưa đến dự khánh thành công trình Cái Lớn – Cái Bé. |
Không chỉ tự hào công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 mà trước đó (ngày 05/3/2022) khánh thành Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bè giai đoạn 1 cũng đáng tự hào. Khi dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn còn mang khẩu trang nhưng tranh thủ đi trong mưa đến dự khánh thành công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bè, công trình thủy lợi lớn nhất ĐBSCL do người Việt thiết kế và thi công xây dựng. Chuyến theo chân Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm đó đầy kỷ niệm. Chiều hôm đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nên tất cả khách tham dự khánh thành đều phải test Covid-19. Đoàn báo chí không ngoại lệ, tất cả phóng viên điều phải test mẫu 3 (ba người vào một mẫu), khi phát hiện mẫu dương tính thì test lại mẫu đơn để tìm ai nhiễm Covid-19. Ai cũng hồi hộp nhất là mẫu 3 bị dương tính, không biết ai là người bị nhễm Covid-19. Thế rồi test hết các phóng viên cũng đã phát hiện nhiều phóng viên bị nhiễm Covid-19 đành ra về. May mắn hôm ấy, không dương tính Covid-19 nên tôi được dự khánh thành công trình thủy lợi lớn nhất ĐBSCL. Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé là công trình thủy lợi lớn nhất miền Tây phục vụ cho 346.241ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng.
Phát biểu chào mừng khánh thành Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bè giai đoạn 1, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: “Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững tại vùng bán đảo Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung. Dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 dự án vẫn hoàn thành vượt tiến độ và tiết kiệm chi phí đầu tư. Để Hệ thống thủy lợi phát huy tối đa hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 mở rộng vùng thủy lợi dự án, hoàn thiện chương trình vận hành hệ thống…”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng bằng khen cho đơn vị, địa phương có nhiều thành tích đóng góp cho Dự án Cái Lớn – Cái Bé. |
Dự án Hệ thống thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 được xây dựng tại huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy Lợi 10 làm chủ đầu tư Hợp phần xây dựng, gồm: Cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô; Đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61; UBND huyện Châu Thành và An Biên tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư Hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang làm chủ đầu tư Hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình và 08 cống dọc tuyến An Minh – An Biên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư Hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Dự án gồm có các công trình chính: Cống Cái Lớn; cống Cái Bé; cống Xẻo Rô; Đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61; 08 cống hở dọc tuyến đê biển An Biên – An Minh; Hệ thống quan trắc, giám sát tự động; Hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang. Cống Cái Lớn đặt tại lòng sông Cái Lớn, cách cầu Cái Lớn 2,1km về phía sông Hậu. Tổng chiều rộng thông nước B = 455m, gồm 11 khoang cống B = 40m, âu thuyền B = 15m. Cầu trên cống, âu có tải trọng HL93, chiều rộng B = 9m. Cống Cái Bé đặt tại lòng sông Cái Bé, cách cầu Cái Bé 1,9km về phía sông Hậu. Tổng chiều rộng thông nước B = 85m, gồm 2 khoang cống B = 35m, khoang âu thuyền B = 15m. Cầu trên cống, âu thuyền, tải trọng HL93, chiều rộng B = 9m.
Cầu Mỹ Thuận 2 – Tự hào là công trình Việt Nam. |
Cống Cái Lớn (là công trình lớn nhất của dự án) bắt đầu triển khai thi công từ ngày 20/10/2019. Thông thường đối với công trình như cống Cái lớn thời gian thi công khoảng trên 40 tháng, nhưng với sự nỗ lực cao độ của các nhà thầu đã tổ chức thi công tăng ca ngày đêm, vượt qua các khó khăn (đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (hơn 8/24 tháng bị ảnh hưởng của đại dịch) và giá cả vật liệu tăng cao, đến cuối tháng 6/2021 phần chính công trình đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện vận hành phục vụ sản xuất. Đến tháng 11/2021, công trình đã hoàn thành toàn bộ, đủ điều kiện nghiệm thu, chính thức bàn giao đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất ngay đầu mùa khô 2021-2022. Công trình đã hoàn thành toàn bộ công tác thi công từ tháng 7/2021. Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 là dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp, vùng hưởng lợi và tác động rộng lớn. Quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị kỹ thuật đã thực hiện rất kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và thực hiện theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng ĐBSCL.
Sau hàng chục năm nghiên cứu kỹ lưỡng và hơn 02 năm triển khai thực hiện, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã hoàn thành đã làm thay đổi trong tư duy và nhận thức đối với công tác thuỷ lợi khu vực ven biển ĐBSCL, đó là từ tư duy “ngăn mặn” sang “kiểm soát nguồn nước”; “Thuận thiên” đối với nông nghiệp là “Thích ứng có sự kiểm soát”, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các công trình thủy lợi. Con người Việt Nam có thể thiết kế, thi công, quản lý các công trình thuỷ lợi lớn, kỹ thuật phức tạp hàng đầu thế giới…
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là “Công trình ý Đảng, lòng dân, là ý chí sức mạnh và trí tuệ của người Việt Nam”. Qua dự án đã cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy từ “chống đỡ” chuyển sang “chủ động kiểm soát thích ứng”.
Công trình cống Cái Lớn. |
Thủ tướng cho rằng ĐBSCL là vùng có tiềm năng phát triển vô cùng lớn, với những giá trị đóng góp rất lớn trong nông nông nghiệp. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho vùng vô cùng lớn, sự ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở và sụt lún… Chính phủ qua các thời kỳ đều trăn trở và dành sự quan tâm đặc biệt, để làm sao phát triển bền vững ĐBSCL. Điều đó biểu hiện qua Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL, đây là quy hoạch vùng đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt theo Luật Quy hoạch. Hiện Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ những nút thắt cho vùng ĐBSCL phát triển. Đặc biệt là nút thắt về hạ tầng giao thông. Nhiều công trình cao tốc nối dài Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau đang được triển khai, dự án cảng nước sâu Trần Đề đang được xúc tiến… Đồng thời tháo gỡ nút thắt về giáo dục, y tế, nguồn nhân lực. Trong đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề liên kết vùng, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.
Xuân đã về, Tết đến, đâu đó vang lên lời ca “Việt Nam ơi”:
Một vòng tay nối tròn Việt Nam.
Bao la đất trời, quê hương xanh ngời
Xòe tay đón nắng mai cười trong mắt
Bao nhiêu con người chung tay xây đời
Niềm tin nơi một Việt Nam sáng tươi.
Lòng rộn rã với niềm tự hào những công trình xây dựng Việt Nam.
Tự hào thay, Việt Nam ta ơi!
Nguồn: Báo xây dựng