Năm 2024, vốn ngoại vào chứng khoán sẽ mạnh mẽ hơn

Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam cho rằng, năm 2024 nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội hơn khó khăn. Về cơ hội, Việt Nam có hai cơ hội lớn. Thứ nhất, với ngành sản xuất, năm 2023 chỉ số hàng tồn kho của các nhà bán lẻ trên toàn cầu đã vượt qua thời kỳ khó khăn để trở về mức bền vững. Do đó, Việt Nam có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế.

Thứ hai là sự đồng pha giảm lãi suất. Vào tháng 11 vừa qua lần đầu tiên số lượng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới giảm lãi suất nhiều hơn các ngân hàng tăng lãi suất. Trong kinh tế, mặt bằng lãi suất là nền tảng cho đầu tư tăng trưởng. Việt Nam đã đi trước một bước cắt giảm lãi suất và sắp tới sẽ có sự đồng pha của toàn cầu. Cùng đó, với xu hướng đầu tư, xu thế dòng tiền cả FDI cũng như đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ mạnh mẽ và rõ ràng hơn.

Dòng vốn FDI được coi là một dòng vốn quan trọng của sự phát triển kinh tế một quốc gia hay vùng lãnh thổ. FDI không chỉ mang theo vốn mà còn cả những kỹ năng, công nghệ và kiến thức nâng cao đến các nước được rót vốn.

Năm 2024, vốn ngoại vào chứng khoán sẽ mạnh mẽ hơn
Năm 2024 dòng vốn FDI vào chứng khoán được kỳ vọng sẽ khởi sắc. (Ảnh minh họa)

Việt Nam thực tế có nhiều điểm mạnh trong thu hút FDI, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Thứ nhất, tình hình an ninh, chính trị ổn định là điều kiện quan trọng để quyết định đặt nền móng hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới vừa là trung tâm kết nối của khu vực. Thứ ba, với số dân 100 triệu người, Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh.

Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn khá vắng bóng trên thị trường chứng khoán nội địa. Cùng với xu thế dòng tiền, năm 2024 dòng vốn này được kỳ vọng sẽ khởi sắc.

Với khu vực xuất khẩu, bà Đặng Minh Nguyệt nhận định, vùng đáy xuất khẩu đã qua, chúng ta bắt đầu chu kỳ hồi phục mới. Đầu tư công cũng đã bắt đầu và đây là nền tảng cần thiết. Trong kinh tế có hai yếu tố thứ nhất là niềm tin và lòng tham, đầu tư công tạo nền tảng niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư trở lại. Chính phủ đã rất quyết đoán đẩy mạnh đầu tư công. Còn tiêu dùng, đâu đó ta phải đợi độ trễ của mặt bằng lãi suất, nửa sau của năm 2024 thì sẽ có phục hồi tích cực hơn.

Nói thêm về năng lượng, chuyên gia Dragon Capital cho biết, chúng ta nói đến nhiều năng lượng sạch nhưng chưa có nhiều bàn luận về cơ chế chính sách. Việt Nam còn nhiều cơ hội mới để làm động lực tăng trưởng những năm tiếp theo. Về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp cần hỗ trợ về dòng vốn cũng như chất lượng nhân công.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích