Bình Dương đưa vào hoạt động nhà máy đốt rác thải phát điện công suất 5MW
Bình Dương đưa vào hoạt động nhà máy đốt rác thải phát điện công suất 5MW
Sự kiện khánh thành nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện 5MW do chính các kỹ sư BIWASE nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt vận hành theo quy trình tuần hoàn, đã biến toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh thành nhiều sản phẩm khoa học
Cùng với việc nâng công xuất xử lý rác thải sinh hoạt lên 2.520 tấn/ngày, Công ty CP – Tổng công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE, mã cổ phiếu BWE) đã sẵn sàng cho lễ khánh thành tổ hợp lò đốt rác thải sinh hoạt thu hồi nhiệt phát điện công suất 5MW vào ngày 12/1/2024.
Xử lý tuần hoàn toàn bộ rác thải sinh hoạt
Theo ước tính mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương tương đương 2.350 tấn, được thu gom, đưa về xử lý tập trung tại Chi nhánh xử lý chất thải Bình Dương (phường Chánh Phú Hoà, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Còn có tên gọi khác Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương).
Ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương thuộc Tổng công ty BIWASE cho biết: Thời gian vận hành thử nghiệm tổ hợp lò đốt rác thải sinh hoạt thu hồi nhiệt phát điện công suất 5MW đã ổn định, đạt yêu cầu kỹ thuật. Chúng tôi đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng gồm: công tác vệ sinh, nhà điều hành, sẵn sàng cho kế hoạch tổ chức lễ khánh thành ngày 12/1/2024”.
Theo quy trình, xe chở rác thải sinh hoạt từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Bình Dương sau khi qua trạm cân tự động sẽ vào đổ rác tại 1 trong 4 hố tiếp nhận. Đây cũng là đầu vào của 4 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (Compost) Con Voi Bình Dương. Tổng công suất 4 nhà máy là 2.520 tấn/ngày).
Tại mỗi hố tiếp nhận, rác thải theo băng chuyền qua các khâu băm, sàng, phân loại. Chất hữu cơ được chuyển qua phân xưởng làm phân bón. Rác khác được đưa về phân xưởng đốt, sau khi đã tách lọc bớt kim loại và phế liệu có thể tái chế. Tro xỉ sau khi đốt được thu hồi, tái chế sản xuất ra gạch tự chèn, gạch không nung dùng trong xây dựng với nhãn hiệu Con Voi – BIWASE.
Hiện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương đang phát điện trực tiếp từ hai tổ máy. Tổ máy 1 tận dụng nguồn khí metan công suất 1,5MW. Tại khu chôn lấp tạm thời từ công suất quá tải của các xưởng sản xuất phân thời có diện tích 10ha đã dừng tiếp nhận rác thải từ tháng 8/2023. Tổ máy 2 phát điện từ nguồn nhiệt lò đốt, công suất đốt 200 tấn/ngày, công suất phát điện 5MW, đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương. Giai đoạn đầu do chưa đấu nối vào lưới điện nên lượng điện thừa được phát tự tiêu.
Bằng trái tim yêu nghề và khối óc khoa học, BIWASE đã biến rác thải sinh hoạt thành nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống như điện (năng lượng tái tạo), phân bón, vật liệu xây dựng theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường.
Nhà máy do BIWASE tự thiết kế, lắp đặt
Thạc sĩ Ngô Chí Thắng, Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương kể: BIWASE đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong quá trình xử lý chất thải nên trước khi bắt tay vào thiết kế, xây dựng nhà máy chúng tôi đã tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia nước ngoài. Qua đó lựa chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và đội ngũ chuyên gia, kỹ sư BIWASE bắt tay vào tự thiết kế, tự thi công lắp đặt. Riêng máy móc, thiết bị như động cơ turbine được nhập khẩu từ hãng SIEMENS.
Vốn đầu tư cho dự án là 835 tỷ đồng (tương đương hơn 34,4 triệu USD), trong đó giá trị đơn nguyên làm phân hữu cơ là 364 tỷ đồng (gần 15 triệu USD), giá trị lò đốt có kết hợp phát điện trị giá 471 tỷ đồng (hơn 19,4 triệu USD). Dự án sử dụng từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) 20 triệu USD, tương đương 480 tỷ đồng.
Ông Thắng cho biết thêm: Việc nâng công suất nhà máy xử lý rác thải, trong đó có nhà máy sản xuất phân bón chính là phương án an toàn, chủ động trong tiếp nhận và xử lý rác. Do đã làm chủ quy trình công nghệ nên nhiều công đoạn, nhiều chi tiết được sản xuất ngay tại Xí nghiệp Cơ khí BIWASE với chi phí, giá thành và chất lượng tốt hơn cả thiết bị nhập khẩu. Đây là vấn đề then chốt khiến cho nhiều lò đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại nhiều địa phương phải “trùm mền” sau thời gian ngắn hoạt động vì sức ăn mòn của nước rỉ rác, nhiệt độ làm cho các thiết bị rệu rã sau chừng 2 năm hoạt động!
Sự kiện khánh thành nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện 5MW do chính các kỹ sư BIWASE nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt vận hành theo quy trình tuần hoàn, đã biến toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh Bình Dương thành nhiều sản phẩm khoa học, hữu ích gồm năng lượng tái tạo (điện), vật liệu xây dựng (gạch), phân bón hữu cơ… Với phân bón hữu cơ cũng là sản phẩm chủ lực và có tính chiến lược quốc gia. Phân bón hữu cơ được sản xuất từ rác thải hữu cơ, bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải, bể phot…có hàm lượng dinh dưỡng cao, góp phần tạo nguồn phân bón hữu cơ cho mục tiêu sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ theo chủ trương của chính phủ; giúp nhà nông có nguồn phân bón chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Xây dựng chiến lược vì sự phát triển lâu dài
Từ chỗ công ty có chiến lược đúng đắn trong phương án đầu tư, coi trọng nhân lực trong nước, cùng với sự mạnh dạn chỉ đạo, đầu tư kiến thức cho đội ngũ CBCNV với ý tưởng phải chủ động trong công nghệ xử lý rác cùng với quyết tâm cao của lãnh đạo trong việc đầu tư máy móc thiết bị để đội ngũ kỹ sư tự thiết kế, tự thi công, vừa học hỏi và hoàn thiện dần kiến thức chuyên môn, cho đến nay đội ngũ kỹ sư của công ty cơ bản vững tay nghề, chủ động các công nghệ trong xử lý rác tiên tiến. Đó cũng là cách đi đúng hướng trong công tác xây dựng phát triển công ty của BIWASE và kết quả hôm nay công ty có một sản phẩm tốt ra đời.
Với lòng yêu nghề, gắn bó với nghề nhiều năm, với quyết tâm cháy bỏng, làm cái gì đó để khu xử lý rác có nhiều màu sắc sinh thái, không mùi, không gây ảnh hưởng cho những người dân sống xung quanh, Công ty BIWASE luôn bám sát, chỉ đạo, chăm chút từng bước dần hình thành khu liên hợp xử lý rác sinh thái, an toàn, bền vững, thân thiện với người dân xung quanh…
Do vậy, nhiều hoạt động có ý nghĩa, vượt trên các định mức ngành quy định… để chứng minh rằng khu xử lý rác nếu làm tốt công tác quy trình xử lý, cải tiến công nghệ và có trách nhiệm với cộng đồng thì xây dựng ở đâu cũng được, không đáng sợ như chúng ta hay ám ảnh, ái ngại.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi
Chúng ta vui mừng vì Bình Dương có BIWASE nên phát triển công nghiệp luôn đi đôi với bảo vệ môi trường. Cùng với sự phát triển đi lên của Bình Dương -BIWASE phấn đấu trở thành doanh nghiệp xuất khẩu công nghệ môi trường ra thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng
Bình Dương phát triển công nghiệp nhưng không ô nhiễm môi trường là nhờ sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Sự thành công chung của tỉnh Bình Dương hôm nay có sự đóng góp tích cực của BIWASE.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB
BIWASE là hình mẫu vể sử dung vốn hiệu quả và sẽ được áp dụng cho các địa phương, khu vực khác.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị