Xe điện Weltmeister EX5 sắp đổ bộ thị trường Việt có gì đáng chú ý?

Cụ thể, hãng xe Trung Quốc WM Motor cho biết, trước mắt công ty sẽ cho xây dựng nhà máy lắp ráp ở Indonesia để phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu từ năm 2022. Khu vực Đông Nam Á đang là thị trường tiềm năng về xe điện. Sau Indonesia, công ty sẽ thiết lập nhà phân phối tại Philippines và gia nhập thị trường Việt Nam.

Mẫu xe đầu tiên được hãng này lựa chọn để giới thiệu tại Indonesia là mẫu xe điện Weltmeister EX5. Nếu về Việt Nam, mẫu xe này sẽ cạnh tranh với xe điện VinFast VF e34 (dự kiến sẽ được mở bán từ tháng 11/2021).

Nhà sản xuất cho biết, xe điện Weltmeister EX5 có số đo kích thước chiều dài x rộng x cao lần lượt là: 4.585 x 1.835 x 1.672 (mm) và chiều dài trục cơ sở 2.703 mm.

Như vậy, có thể thấy rằng xe điện Weltmeister EX5 có các số đo “nhỉnh” hơn VF e34. Điều này đồng nghĩa với việc xe có không gian bên trong rộng rãi hơn.

 Xe điện Weltmeister EX5 dự kiến được bán tại Việt Nam từ tháng 11/2021. Ảnh minh hoạ

Về thiết kế bên ngoài, xe điện Weltmeister EX5 được trang bị đèn pha LED, bánh xe hợp kim 18 inch (tương tự như VF e34). Mẫu xe điện đến từ Trung Quốc vượt trội hơn hẳn VF e34 khi được trang bị tay nắm cửa cảm biến điện.

Về thiết kế bên trong, khu vực trung tâm của xe điện Weltmeister EX5 là màn hình thông tin giải trí kích thước 12,8 inch đặt dọc ở chính giữa, có hỗ trợ kết nối với trợ lý ảo có tên Xiaowei. Nằm sau vô lăng là một màn điện tử với kích thước 12,3 inch.

Các thông số màn hình của Weltmeister EX5 cũng “nhỉnh” hơn khi so sánh với VinFast VF e34. Mẫu xe của nhà sản xuất ô tô Việt Nam chỉ có màn hình cảm ứng giải trí 10 inch, màn hình sau tay lái TFT LCD kích thước 7 inch. Mẫu xe nguồn gốc Trung Quốc được trang bị công nghệ tự lái cấp độ 2 với các tính năng như ga tự động thích ứng, tránh va chạm sớm, công nghệ trợ giúp lái xe khi tắc đường hay tự động đỗ xe.

Xe điện Weltmeister EX5 mang đến hai tuỳ chọn cho khách hàng là gói pin dung lượng 52,5kWh và 69kWh. Động cơ điện trên xe sản sinh ra công suất 215 mã lực và mô-men xoắn cực đại 315 Nm. Tuỳ vào gói pin mà quãng đường xe di chuyển được là 400 km và 520 km sau một lần sạc.

Ở chế độ sạc thường dùng hệ thống sạc 6,6 kW, 220V mất khoảng 8,5 đến 9 giờ để sạc đầy. Còn khi sử dụng hệ thống sạc nhanh 120 kW DC, xe sạc từ mức 30% lên 80% chỉ trong 30 phút.

Tại thị trường Trung Quốc, xe điện Weltmeister EX5 được phân phối với mức giá 149.800 NDT (khoảng 528 triệu đồng). 

Ngoài WM Motor, một hãng xe Trung Quốc khác là Ho Wah Genting (HWGB) cũng công bố kế hoạch giới thiệu một chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện có tên Seiyong S1 và nhăm nhe tiến vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Mẫu xe điện Seiyong S1 được trang bị động cơ điện cung cấp công suất 47 mã lực và mô-men xoắn cực đại 150 Nm. Động cơ được lấy từ nguồn pin lithium 31,9 kWh và có thể di chuyển được 302 km sau một lần sạc. Xe có tốc độ tối đa 110 km/h.

Về tình hình xe điện trong nước, theo Bộ Công thương, về cơ bản, các dòng xe điện chưa phổ biến tại Việt Nam, số lượng rất ít, đều là xe nhập khẩu. Trong đó, gần như toàn bộ là xe hybrid (HEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV) và xe điện chạy pin (BEV), chưa có xe điện chạy bằng nhiên liệu hydro (FCEV).

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho hay, nếu so với các nước trong khu vực, số lượng xe điện tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, với khoảng 1.000 xe đến năm 2020, phần lớn là xe HEV và PHEV (99%), xe BEV chiếm một phần rất nhỏ, trong khi con số này của Thái Lan gấp tới 35 lần. 

Hiện một số doanh nghiệp ôtô đã có bước đi đầu tiên, bắt đầu sản xuất kinh doanh xe điện như VinFast, Toyota, Mitsubishi. Trong đó, VinFast đã thông báo kế hoạch bán xe BEV trong năm 2021 và đang xây dựng mạng lưới trạm sạc trên toàn quốc; Toyota Việt Nam cũng đã bán một số xe HEV…

Tuy vậy, VAMA cho rằng, đến nay Việt Nam vẫn chưa có lộ trình rõ ràng cho việc phát triển và chuyển đổi sang loại xe thân thiện môi trường. Mặc dù đây là xu hướng vận tải cần xem xét phát triển trong tương lai, VAMA cho hay xe ô tô điện tại Việt Nam vẫn còn hiếm, và hầu như chưa có hãng xe nào thực sự kinh doanh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc thiếu cơ sở hạ tầng là vấn đề khi ở Việt Nam hầu như chưa có trạm sạc cho ô tô điện, thiếu hạ tầng giao thông đồng bộ, điểm đỗ xe tĩnh, quỹ đất để bố trí trạm sạc. Trong khi đó, không phải mọi xe điện đều có cổng cắm với tiêu chuẩn như nhau, nên việc thiết kế cổng sạc thay đổi theo mẫu xe, đáp ứng cho mọi nhu cầu cũng là thách thức không nhỏ.

Phạm vi hoạt động hạn chế cũng là nhược điểm lớn của xe điện, khi chưa thể đáp ứng được nhu cầu di chuyển dài so với xe sử dụng xăng/dầu.

Chưa kể, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2020 là 2.750 USD/người. Đây là mức thấp để người tiêu dùng có thể sở hữu phương tiện cá nhân bốn bánh thông thường, chưa nói đến việc sở hữu xe điện do giá bán cao. Vì vậy, việc sử dụng rộng rãi xe điện tại Việt Nam được đánh giá là khó khả thi.

Diệu Hương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích