Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/1/2024

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/1/2024

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 9/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Hà Nội sắp mưa phùn, ẩm ướt nhiều ngày

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, đợt không khí lạnh này có cường độ không quá mạnh (chỉ là một áp cao lạnh) và di chuyển lệch Đông xuống Bắc bộ, kết hợp gió đông (độ cao 1.500m) có đặc tính nhiều hơi ẩm, nên sẽ gây mưa nhiều ở miền Bắc.

tm-img-alt
Thời tiết Hà Nội chiều 9/1 âm u, nhiều mây, thi thoảng le lói nắng.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cũng cho biết, khoảng rạng sáng 10-1, Hà Nội sẽ mưa rét. Cơ quan khí tượng cũng nhận định, từ ngày 10-1, miền Bắc sẽ có mưa nhỏ diện rộng (mưa phùn) kèm rét nhiều ngày. Đợt rét ẩm này có thể kéo dài đến cuối tuần.

Các chuyên gia khí tượng nhận định, đặc điểm phổ biến của đợt không khí lạnh ngày 10-1 ở phía Bắc là làm gia tăng sương mù, nồm ẩm (độ ẩm không khí tăng lên 85-90%), ngoài trời mưa phùn, gây ảnh hưởng tới việc đi lại, an toàn giao thông, sinh hoạt của người dân…

Đợt này, người dân sống ở miền Bắc và Bắc Trung bộ cần lưu ý giữ khô ráo nhà cửa, nên đóng kín cửa để tránh tình trạng hấp hơi nước vào phòng ngủ, cửa kính… Có thể sử dụng điều hòa, đèn sưởi để sấy khô chăn màn, giường chiếu, quần áo… trước nguy cơ ẩm mốc gia tăng.

Khu vực Đông Nam bộ đang vào đợt nắng dài ngày (ít nhất đến cuối tuần này). Nhiệt độ trưa 9-1 tại TPHCM là 33-35oC. Người dân cần đề phòng nguy cơ cháy, chập do nắng nóng, hanh khô.

Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình triển khai nhiệm vụ năm 2024

Năm 2023, ngành TN&MT đã phát huy tối đa các nguồn lực nhằm hoàn thành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 các huyện, thành phố; rà soát số thửa đất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiến hành giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 56 tổ chức với diện tích trên 267 ha; thực hiện GPMB 268 dự án trên địa bàn tỉnh và GPMB được gần 1.700 ha; thẩm định báo cáo tác động môi trường cho 77 dự án; cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho 2 dự án; xử phạt và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực TN&MT trên 100 đơn vị với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ngày 5/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (5/11/2003 – 5/11/2023)

Trong năm 2024, ngành TN&MT đẩy mạnh công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng bảng giá các loại đất trên địa bàn; rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất gạch ngói, gốm sứ; đánh giá, cảnh báo, dự báo nguy cơ sự cố môi trường; điều tra thống kê nguồn rác thải, loại chất thải và lượng phát thải trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án đo đạc lập bản đồ địa chính; số hóa kết quả thủ tục hành chính; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các dự án đúng quy định…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị: Trong thời gian tới, ngành TN&MT khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tăng cường quản lý đất đai, giao đất cho thuê, đất lâm nghiệp, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, tính tiền sử dụng đất các dự án. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra quản lý sử dụng đất, khoáng sản. Rà soát tổ chức bộ máy phù hợp, tinh gọn, hiệu quả. Quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính về đất đai, giải quyết các khiếu kiện về đất đai, đặc biệt chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các sai phạm, nhất là các lĩnh vực liên quan đến đất đai, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường…

Nhân dịp này, Sở TN&MT tặng giấy khen cho 25 tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác TN&MT năm 2023.

Tỉnh Bắc Ninh đứng thứ tư cả nước về chỉ số bảo vệ môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố kết quả Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PEPI 2022).

Bắc Ninh đứng thứ tư cả nước về chỉ số bảo vệ môi trường 2022
Phát triển KCN gắn với tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường là định hướng được tỉnh Bắc Ninh ưu tiên thực hiện.

Đạt 65,29 điểm, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ Tư cả nước trong thực hiện Bộ chỉ số này sau thành phố Đà Nẵng (73,33 điểm) và 2 tỉnh: Bắc Kạn (70,29 điểm), Lạng Sơn (65,62 điểm). 5 tỉnh có tổng điểm thấp nhất là: Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Đắk Lắk, Bạc Liêu. Tỉnh Bắc Ninh cũng đứng đầu trong vùng Đồng bằng sông Hồng và các địa phướng phát triển mạnh về công nghiệp (thường có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hơn).

Bộ chỉ số PEPI của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các địa phương. Đồng thời, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Bộ chỉ số PEPI được cấu trúc thành hai nhóm: Nhóm 1 là nội dung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được thực hiện thông qua đánh giá kết quả thực hiện 22 chỉ số thành phần. Nhóm 2 là nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, gồm 8 tiêu chí/vấn đề về chất lượng môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Căn cứ kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường , Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, có giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường cho các năm tiếp theo.

Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

tm-img-alt
Quang cảnh cuộc họp

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính.

Phó Thủ tướng chỉ ra, thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu, nhưng đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tập trung thảo luận về mục đích, mục tiêu của chính sách giảm phát thải khí carbon ở Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực, toàn cầu; mô hình thị trường (doanh nghiệp tự nguyện tham gia hay Chính phủ dẫn dắt, bước đầu vận hành trong nước hay tham gia ngay vào thị trường quốc tế); lộ trình thực hiện, trong đó có những việc cần làm ngay: Cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải đến từng chủ thể phát thải.

Tại hội họp, nhiều đại diện các bộ, ngành đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc như hệ thống cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon nông nghiệp, lâm nghiệp còn thiếu đồng bộ, tản mạn ở nhiều văn bản; hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định, chứng nhận tín chỉ carbon; xác định hàm lượng carbon trong hàng hóa;…

Huyện Bát Xát (Lào Cai) phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng

Hiện nay, độ che phủ rừng của huyện đạt 59,68%, tình trạng cháy rừng giảm qua từng năm, không xảy ra điểm nóng, vụ việc nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) trên địa bàn huyện Bát Xát có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, độ che phủ rừng của huyện đạt 59,68%, tình trạng cháy rừng giảm qua từng năm, không xảy ra điểm nóng, vụ việc nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.

tm-img-alt
Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tại những khu vực trọng điểm.

Thống kê cho thấy, tổng diện tích rừng trên địa bàn huyện là trên 61.259 ha (trong đó: rừng tự nhiên trên 55.620 ha, rừng trồng trên 5.635 ha). Để phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, Huyện ủy Bát Xát đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, cơ chế chính sách về lâm nghiệp, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã, kiểm lâm địa bàn và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, nhằm tạo sự chuyển biến trong cả hệ thống chính trị.

Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể các cơ quan Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Kiện toàn, sắp xếp, củng cố, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng theo hướng tinh gọn, thống nhất một đầu mối từ huyện xuống đến tận thôn bản; nâng cao hiệu quả tham mưu và thực thi pháp luật của lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chuyên môn.

Công tác xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời, nghiêm minh, duy trì trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; quản lý chặt chẽ cơ sở chế biến lâm sản; triển khai các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa từ xa, tận gốc các hành vi vi phạm, giải quyết hiệu quả, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Trong 5 năm đã phát hiện và ngăn chặn 54 vụ vi phạm, trong đó: Phá rừng tự nhiên và lấn chiếm đất lâm nghiệp 26 vụ diện tích rừng bị thiệt hại là 3,301 ha.

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ. Sau vụ cháy đã tổ chức rút kinh nghiệm qua từng vụ việc, điều chỉnh, hoàn thiện các kế hoạch để nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác quản lý rừng chặt chẽ với nhiều ứng dụng tiến bộ kỹ thuật lâm nghiệp được triển khai, góp phần quản lý chặt chẽ tình hình diễn biến rừng và công tác lãnh chỉ đạo của tỉnh, huyện được kịp thời hơn.v.v…

Trong 5 năm từ năm 2017-2023, thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, Bát Xát đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Tổ chức cắm mốc ranh giới 3 loại rừng trên địa bàn huyện, để tổ chức quản lý hiệu quả quy hoạch đất lâm nghiệp của tỉnh ban hành. Giao đất, giao rừng, cấp GCN QSD đất lâm nghiệp cho 16 cộng đồng dân cư tại xã Dền Sáng và xã Phìn Ngan.

Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, Huyện Bát Xát đã phát huy vai trò nòng cốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, sự phối hợp đồng bộ hiệu quả với các ban ngành,đơn vị và các chủ rừng, đặc biệt nhận thức chung về bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao, người dân đã tự nguyện và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ rừng tại cộng đồng dân cư, dần từ bỏ thói quen khai thác, sử dụng tài nguyên rừng trái phép, từ đó góp phần tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt 59,68%, bảo vệ cảnh quan môi sinh môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh của huyện.

Khánh Hòa: Tập huấn về bảo vệ, bảo tồn, phục hồi rạn san hô

Sáng 9/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp với UBND phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang), Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Chi nhánh ven biển Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga tổ chức lớp tập huấn bảo vệ, bảo tồn, phục hồi san hô và rạn san hô Hòn Mun và vịnh Nha Trang; gắn kết cộng đồng trong bảo vệ và bảo tồn rạn san hô ở địa phương cho hội viên phụ nữ. Hơn 40 hội viên phụ nữ và người dân tại các đảo của phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang đã tham gia lớp tập huấn.

Đây là hoạt động nhằm triển khai Quyết định 3028 ngày 7/1/2023 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 và thực hiện dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bảo vệ khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang”.

Các hội viên phụ nữ tham gia lớp tập huấn
Các hội viên phụ nữ và người dân tham gia lớp tập huấn

Tại lớp tập huấn, người dân đã nghe các báo cáo viên thông tin những nội dung như tìm hiểu về san hô, tình trạng rạn san hô trong vịnh Nha Trang, việc khai thác san hô quá mức, các giải pháp để bảo tồn và phục hồi rạn san hô. Bên cạnh đó, là các hoạt động hỗ trợ sinh kế gắn kết cộng đồng địa phương với bảo tồn đa dạng sinh học trong dự án thí điểm khu bảo tồn biển Hòn Mun, dự án tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân nghèo ven vịnh từ nguồn lợi rong mơ… Lớp tập huấn nhằm tăng cường sự hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang.

Dự báo hạn mặn đầu năm 2024 rất gay gắt và lấn sâu vào vùng ven biển

Nếu xâm nhập mặn kéo dài với độ mặn cao, một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái.

Nhận định về tình hình El Nino trong những tháng đầu năm 2024, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết từ tháng 1-2/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%.

Sau đó, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức 60-85% vào thời kỳ tháng 3 – 5/2024. Do vậy, các tháng mùa khô năm 2023-2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

tm-img-alt
Nhân viên Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng đo nồng độ mặn ở huyện Kế Sách. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

“Nếu xâm nhập mặn kéo dài với độ mặn cao, một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái,” Giám đốc Mai Văn Khiêm lưu ý.

Theo ông Mai Văn Khiêm, El Nino khả năng diễn ra với cường độ trung bình đến mạnh trong những tháng đầu năm 2024.

Độ mặn tại các sông trong mùa khô 2023-2024 ở mức cao và hầu hết đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Do vậy, tình hình hạn mặn đầu năm 2024 có thể sẽ rất gay gắt; mặn sẽ lấn sâu vào vùng ven biển.

Trong trường hợp El Nino cực đoan, đến giữa mùa khô (từ tháng 2/2024 trở đi), dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn thiếu nước ngọt.

Trong các tháng mùa khô 2023-2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, người dân cần có kế hoạch ứng phó, chủ động trước xâm nhập mặn.

Cùng với đó, các tháng mùa khô ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Trước những dự báo trên, các địa phương trong vùng sẽ phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có công văn báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống Thiên tai cảnh báo tác động của El Nino; thông tin cho các bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích