Công ty AI liên tục dính vào kiện tụng do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Trong một đơn kiện đệ trình lên Tòa án Quận Liên bang ở Manhattan, New York Times (NYT) đã đưa ra cáo buộc rằng cả OpenAI và Microsoft đã sử dụng các bài báo của họ để đào tạo chatbot AI mà không có sự thỏa thuận đền bù cho tài sản trí tuệ. Điều này đánh dấu lần đầu tiên một tổ chức tin tức lớn kiện các nhà phát triển AI vì vi phạm bản quyền.
Mới đây, Nicholas Basbanes và Nicholas Gage, nhà văn và nhà báo nổi tiếng, đang đại diện cho nhiều tác giả trong vụ kiện tập thể này. Cả hai yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 150.000 USD cho mỗi tác phẩm bị sử dụng không xin phép và đề xuất một lệnh cấm vĩnh viễn để ngăn chặn các hành động tương tự trong tương lai.
Trong đơn khiếu nại, Basbanes và Gage không chỉ cáo buộc rằng họ phải tự bỏ tiền sản xuất tác phẩm của mình mà còn lên án chiến lược của các công ty công nghệ, nhấn mạnh rằng việc không trả tiền cho tác giả là một chiến lược có chủ ý để tối đa hóa lợi nhuận.
OpenAI cũng đang đối mặt với nhiều vụ kiện khác từ các nhà sáng tạo nội dung. Trong số đó, tác giả nổi tiếng George R.R. Martin, tác giả của loạt tiểu thuyết Game of Thrones, đã kiện OpenAI vì sử dụng tác phẩm của ông mà không có sự cho phép. Trong khi đó, Julian Sancton, tác giả và biên tập viên của Hollywood Reporter, đã đại diện cho nhiều tác giả trong một vụ kiện tập thể, cáo buộc OpenAI sao chép hàng chục nghìn cuốn sách phi hư cấu không xin phép.
New York Times đã công bố kiện OpenAI và Microsoft vì sử dụng các bài báo đã xuất bản của họ để đào tạo cho các chatbot AI của mình mà không có thỏa thuận đền bù cho tài sản trí tuệ.
New York Times không nêu rõ yêu cầu bồi thường bao nhiêu nhưng hành động này của họ được cho là nhằm buộc các công ty như OpenAI và Microsoft phải “chịu trách nhiệm về hàng tỉ USD thiệt hại theo luật định và thực tế”.
Nhìn lại năm 2023, nhiều công ty phát triển AI lớn và nhỏ đều phải đối mặt với các vụ kiện tương tự, đặt ra những thách thức lớn về quản lý tài nguyên ngôn ngữ và tác phẩm có bản quyền trong quá trình đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn. Các vụ kiện này cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm và chính sách pháp lý trong ngành công nghiệp AI đang ngày càng trở nên quan trọng.
Hiện tại, cả OpenAI và Microsoft chưa có bình luận chính thức về những vụ kiện mới nhất. Các chuyên gia dự đoán rằng những vụ kiện này có thể mở ra một chuỗi các tranh cãi và thách thức pháp lý mới trong lĩnh vực sử dụng tác phẩm có bản quyền cho đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn.
Duy Trinh (t/h)