Triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5

Triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5

Chiều 8/1/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào việc chuẩn bị tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định 4 nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Cụ thể: 

Xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Xem xét thông qua dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách về tài chính, ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp rất chặt chẽ với thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật văn bản.

Đối với 2 nội dung còn lại, Chính phủ đã gửi hồ sơ, tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này. 

tm-img-alt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp chiều 8/1. Ảnh: Media Quốc hội

Dự kiến kỳ họp bất thường, sẽ khai mạc vào ngày 15/1 và bế mạc vào sáng ngày 18/1, Quốc hội nghỉ 1 ngày làm việc (ngày 17-1-2024).

Về 2 Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về trình tự trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật tại kỳ họp này như thể hiện tại dự kiến chương trình.

Cụ thể, bố trí Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; thảo luận tại hội trường (0,5 ngày/dự án luật, chỉ tập trung vào các điểm mới so với kỳ họp thứ 6 và những nội dung còn ý kiến khác nhau) vào ngày đầu kỳ họp và biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc.

Ông Bùi Văn Cường cho biết, thời gian diễn ra kỳ họp ngắn nên các cơ quan sẽ có rất ít thời gian để tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết.

Do đó, để kịp tiến độ theo dự kiến chương trình kỳ họp, đề nghị không tách riêng việc tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết, thay vào đó các cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để tiếp thu, giải trình luôn.

Về tài liệu, ông Bùi Văn Cường đề nghị dự kiến thời hạn gửi tài liệu là trước ngày 12-1 nhằm bảo đảm thời gian để đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu, nghiên cứu trước khi tham dự kỳ họp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích