Thủ tướng Việt Nam – Lào cùng hai Phu nhân dạo hồ Hoàn Kiếm

Thủ tướng Việt Nam – Lào cùng hai Phu nhân dạo hồ Hoàn Kiếm

Chiều 7.1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cùng Phu nhân đã dạo bộ hồ Hoàn Kiếm.

tm-img-alt
Hai Thủ tướng và hai Phu nhân cùng các thành viên tản bộ bên hồ Hoàn Kiếm

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân giới thiệu với Thủ tướng Sonexay Siphandone và Phu nhân về Tháp bút, Đài nghiên, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn; đặc biệt là về rùa Hồ Gươm và sự tích Hồ Gươm.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di quốc gia đặc biệt năm 2013. Hồ Hoàn Kiếm, tức hồ Gươm – dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Tên hồ gắn với truyền thuyết Lê Lợi trả lại gươm báu sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm.

Đền Ngọc Sơn không chỉ là một di tích tín ngưỡng, mà một thời còn là nơi sinh hoạt của Hội Hướng thiện, một tổ chức tập hợp nhiều nhà Nho yêu nước đương thời, như Nguyễn Văn Siêu (1799-1870), Vũ Tông Phan (1800-1851) để tuyên truyền, giáo dục điều thiện cho quần chúng, tổ chức in nhiều loại sách…

Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm luôn được chính quyền và nhân dân Hà Nội, cùng cả nước quan tâm tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị, đã trở thành một trong những biểu tượng về lịch sử, văn hóa và cảnh quan của Thủ đô ngàn năm văn vật.

Sau khi thăm đền Ngọc Sơn, trong khi dạo ngắm hồ Hoàn Kiếm, hai Thủ tướng và hai Phu nhân gặp gỡ, giao lưu với các sinh viên Việt Nam-Lào, cùng sinh viên thưởng thức cà phê, kem tại nhà hàng ven hồ.

Trò chuyện, thăm hỏi tình hình học tập, sinh hoạt của sinh viên hai nước, hai Thủ tướng mong muốn, sinh viên nói riêng và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam và Lào nói chung ra sức học tập, rèn luyện lập thân lập nghiệp, phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ; thực hiện ước mơ, hoài bão của mình và gia đình, thực hiện trách nhiệm xã hội và nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mỗi nước; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã xác định.

Đặc biệt, sinh viên, thanh niên Việt Nam-Lào phải giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc; đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau vì “giúp bạn là tự giúp mình”, cùng giữ gìn và viết tiếp những trang sử vàng cho tình anh em bền chặt, mối quan hệ láng giềng hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hiếm có và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Hợp tác về giáo dục-đào tạo được hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam-Lào xác định là nhiệm vụ quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược trong mối quan hệ hữu nghị, gắn bó lâu đời Việt Nam-Lào.

Giai đoạn 2011-2021, Việt Nam đã tiếp nhận gần 30.000 lưu học sinh Lào các diện hiệp định và ngoài hiệp định với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau. Ở chiều ngược lại, kể từ năm 1982 đến nay, Chính phủ Lào cũng đã đào tạo tổng số gần 5.000 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam học tại Trường Đại học Quốc gia Lào.

Quá trình học tập, lưu học sinh hai nước luôn được các cơ sở giáo dục quan tâm, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần nhằm đảm bảo thuận tiện nơi ăn, ở, học tập và sinh hoạt cho lưu học sinh.

Thời gian tới, hai bên tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành 1.120 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào.

Đây là hoạt động cuối cùng trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, kết hợp đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Sonexay Siphandone cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Lào rời Hà Nội lên đường về nước.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích