Bắt giữ xe chở gần 4 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc
Cụ thể, tổ công tác gồm Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lào Cai, Công an xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai và Đồn Biên phòng Bản Lầu tuần tra kiểm soát tại khu vực biên giới thuộc thôn Cúc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Khi tuần tra đến khu trang trại chăn nuôi gà giống của một hộ gia đình thuộc thôn Cúc Phương, xã Bản Lầu, tổ công tác phát hiện tại khu vực đất trống và lán lợp tôn không có tường bao quanh nằm trong khuôn viên trang trại có nhiều phương tiện ô tô đang dừng đỗ và có người trong xe.
Tổ công tác tiến hành làm việc với những lái xe ô tô của các xe đang dừng đỗ, gồm: Đặng Quốc Thịnh, sinh năm 1994, trú tại khu 8, xã Đan Phượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, lái xe ô tô biển kiểm soát 24H-01322 và Trần Xuân Thường, sinh năm 1990, trú tại số nhà 011 Triệu Quang Phục, tổ 2 phường Lào Cai, thành phố Lào Cai điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 24H-01816.
Gần 4 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được thu giữ
Tại thời điểm kiểm tra, Đặng Quốc Thịnh khai nhận trên xe đang chở hàng cá tầm. Kiểm tra tại chỗ, trên xe có 100 bao tải dứa màu xanh, bên trong là bao ni lông chứa cá tầm. Trần Xuân Thường khai nhận trên xe đang có 72 bao tải dứa màu xanh bên trong có 1 lớp bao tải trắng chứa cá tầm.
Cả 2 tài xế có cá tầm trên xe đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hàng hóa kể trên. Tổ công tác đã lập biên bản đưa toàn bộ 2 ô tô cùng toàn bộ số hàng về trụ sở Công an tỉnh Lào Cai để điều tra xử lý.
Tại cơ quan điều tra, 2 tài xế khai nhận có 1 người đàn ông tên Dũng thuê mình lái xe đến địa phận thôn Cúc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương để có người bốc hàng cá tầm lên xe rồi chở ra thành phố Lào Cai.
Kết quả kiểm tra cho thấy toàn bộ 2 xe ô tô có tổng 857 con cá tầm, trọng lượng gần 4 tấn. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.”
Do đó, hàng hóa cần phải có các thông tin thể hiện trên nhãn hàng, bao bì hàng hóa, các tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ, hợp đồng, hóa đơn…để có căn cứ xác định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Trường hợp không chứng minh, xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì được coi là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đối chiếu với quy định pháp luật, điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác như sau: đối với trường hợp vận chuyển, mua bán hàng hóa không biết rõ xuất xứ hàng hóa thì pháp luật quy định hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền thấp nhất là 300.000 đồng và mức cao nhất là 100.000.000 đồng đối với cá nhân.
Còn đối với tổ chứ c thì sẽ phạt gấp đôi theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, khi nhập hàng, người vận chuyển phải xuất trình hóa đơn thanh toán, bằng chứng giao dịch và xuất trình hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ hàng vi phạm đó. Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
An Nguyên