Chuyển đổi số trong Chẩn đoán hình ảnh – “Bước đệm” nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Y tế thông minh với nhiệm vụ chuyển đổi số đã trở thành vấn đề cốt lõi trong lộ trình phát triển y tế của các quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số ngày càng là mục tiêu cấp bách đối với mọi đơn vị y tế công lập và tư nhân. Trong đó, ngành Chẩn đoán hình ảnh được ví như “bức tranh” chuyển đổi số toàn cảnh, sắc nét và đa màu nhất.
Đây là Hội nghị đầu tiên về chuyển đổi số trong Chẩn đoán hình ảnh |
Ngành Chẩn đoán hình ảnh với tiền thân là X-quang (tên gọi của kỹ thuật lâu đời và cơ bản nhất) được ra đời năm 1895 đã trở thành phát minh vĩ đại, là phương tiện đầu tiên có thể “nhìn thấu” vào sâu bên trong cơ thể con người nhằm phát hiện các vấn đề bất thường. Song hành cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh mới như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI) đã dần xuất hiện và tạo nên sự “bùng nổ” về kỹ thuật hình ảnh.
GS.TS Phạm Minh Thông – Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Nhận định về chặng đường phát triển của Chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam, GS.TS Phạm Minh Thông – Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho biết: “Từ những năm 80 khi tôi bắt đầu được học và tiếp cận với lĩnh vực này, đến nay sau hơn 40 năm đã có những thay đổi không thể ngờ tới nhờ các công nghệ mới được ứng dụng”.
Trải qua hơn 1 thế kỷ, hiện nay, ngành Chẩn đoán hình ảnh với sự xuất hiện của công nghệ kỹ thuật số đã ngày càng nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân.
Phó Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud Đoàn Đăng Khoa cho biết: “Điện toán đám mây Cloud và trí tuệ nhân tạo AI là 2 ứng dụng công nghệ quan trọng trong xu hướng phát triển công nghệ số của Chẩn đoán hình ảnh”.
ThS.KS Trần Văn Tuyên – Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; Trưởng ban Tổ chức Hội viên, Hội Tin học Y tế Việt Nam đã chỉ ra 5 yếu tố chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng đã, đang và sẽ trở thành xu hướng phát triển của chẩn đoán hình ảnh trong tương lai.
Cụ thể, việc chuyển đổi số về quy trình chuyên môn (SOP) sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực chăm sóc, quản lý bệnh nhân và tăng cường chất lượng điều trị bệnh. Chuyển đổi số về quy trình khai thác, lưu trữ hình ảnh y tế nhằm quản lý kho lưu trữ hình ảnh đảm bảo tiêu chuẩn và các vấn đề an toàn bảo mật thông tin, qua đó gia tăng khả năng truy cập mọi lúc mọi nơi.
Ứng dụng công nghệ Web-base giúp hỗ trợ trả kết quả hình ảnh thông minh, hội chẩn hình ảnh trực tuyến, homecare – chăm sóc y tế từ xa; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực y tế và chất lượng chuyên môn chưa đồng đều ở các địa phương; Ứng dụng Internet vạn vật iOMT (máy siêu âm cầm tay, máy chụp X-quang di động, điện tâm đồ có kết nối wifi…): Giải pháp ưu việt giúp đẩy mạnh mô hình homecare – chăm sóc y tế từ xa.
Nhấn mạnh về vai trò quan trọng, cấp thiết của chuyển đổi số trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh và toàn ngành Y tế nói chung, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định: “AI không thể thay thế thầy thuốc, nhưng thầy thuốc sử dụng AI sẽ thay thế các thầy thuốc không sử dụng AI”.
Qua đó có thể thấy rằng, chuyển đổi số là mục tiêu không thể chậm trễ, thế nhưng, để đạt được hiệu quả và thành công đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực vượt bậc của các cơ sở y tế, cùng quyết tâm cải tiến, không ngại thay đổi những quy trình truyền thống đã “đi vào lối mòn” của toàn bộ đội ngũ nhân sự y tế.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: “Chuyển đổi số không chỉ là áp dụng công nghệ thông tin, cần hiểu đúng rằng cần chuyển đổi rất nhiều thứ, đó là chuyển đổi cả một thói quen, một cơ quan/đơn vị dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ”
Trong Quyết định số 2491/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025, định hướng 2030. ThS.KS Trần Văn Tuyên – Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết có 6 định hướng chuyển đổi số toàn diện của Bộ Y tế trong giai đoạn sắp tới.
Cụ thể gồm: Xây dựng và ban hành kết cấu chi phí công nghệ thông tin trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh; Đẩy mạnh hồ sơ bệnh án/hồ sơ sức khỏe/sổ sức khỏe điện tử; Tăng cường triển khai các mô hình bác sĩ gia đình, home-care; Đẩy mạnh kho dữ liệu hình ảnh y tế tại trung ương và địa phương; Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (Cloud, VR, AR…) trong chẩn đoán hình ảnh; Củng cố chính sách về lưu trữ và an toàn, bảo mật dữ liệu y tế.
ThS.KS Trần Văn Tuyên – Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; Trưởng ban Tổ chức Hội viên, Hội Tin học Y tế Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị
Những định hướng được đưa ra từ Bộ Y tế là “đòn bẩy” thúc đẩy mạnh mẽ các đơn vị, cơ sở y tế tại Việt Nam trên hành trình ngày càng tiệm cận và chinh phục thành công thêm nhiều thành tựu số trong khám chữa bệnh phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phương Thảo
Nguồn: Báo lao động thủ đô