Hà Nội: Cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics
(Xây dựng) – Ngày 2/1, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, kế hoạch nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, Thành phố sẽ cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của Thành phố.
Đồng thời, đôn đốc tiến độ, tăng cường phối hợp giữa các ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics, phấn đấu khởi công xây dựng 02 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) trong năm 2024; xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể 02 trung tâm logistics (tại các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn), hoàn thành thủ tục đầu tư 01 cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm). Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo Quy hoạch được phê duyệt.
Thực hiện rà soát, đánh giá đầu tư đối với 09 dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn đã được giới thiệu địa điểm để nhà đầu tư nghiên cứu lập, đề xuất dự án theo Đề án Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 được UBND Thành phố phê duyệt.
Tiếp tục triển khai hiệu quả quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình chuyển đổi số Thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Chú trọng đầu tư hạ tầng CNTT, xây dựng mạng lưới CNTT thông suốt, toàn diện giúp kết nối từ các cơ quan quản lý nhà nước, hải quan… tới các doanh nghiệp logistics và chủ hàng.
Trong năm 2024, Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu cơ chế kết hợp các nguồn vốn, chú trọng huy động nguồn xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư các công trình cảng, sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ, các cảng thông quan nội địa, kho bãi, trang thiết bị theo quy hoạch, kế hoạch và lộ trình; đảm bảo đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển logistics của Hà Nội.
Nguồn: Báo xây dựng