Thuốc kháng sinh mới có khả năng tiêu diệt hiệu quả vi khuẩn kháng thuốc mạnh
Các nhà khoa học vừa phát triển một kháng sinh mới có khả năng tiêu diệt hiệu quả vi khuẩn Acinetobacter baumannii, hay còn gọi là CRAB, vốn có khả năng kháng thuốc mạnh.
Theo nghiên cứu do nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Harvard (Mỹ) và công ty chăm sóc sức khỏe Hoffmann-La Roche (Thụy Sĩ), loại kháng sinh mới, zosurabalpin, chứng tỏ tiêu diệt hiệu quả đối với hơn 100 mẫu bệnh phẩm được thử nghiệm lâm sàng. Các nhà nghiên cứu cho biết loại kháng sinh này làm giảm đáng kể lượng vi khuẩn ở chuột bị viêm phổi do CRAB gây ra và cũng ngăn nguy cơ tử vong ở chuột bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn này.
Tiến sĩ Kenneth Bradley, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bệnh truyền nhiễm toàn cầu thuộc công ty Hoffmann-La Roche, zosurabalpin là cách tiếp cận mới, cả về hợp chất cũng như cơ chế tiêu diệt vi khuẩn. Các tác giả lưu ý thuốc zosurabalpin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I để đánh giá độ an toàn, khả năng dung nạp, cũng như tác dụng dược lý ở người.
CRAB là loại vi khuẩn được Tổ chức y tế Thế giới (WHO) phân loại vào nhóm “cực kỳ nguy hiểm”, có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người. Theo WHO, vi khuẩn này có khả năng kháng kháng sinh cực mạnh và chống lại nhiều biện pháp điều trị hiện có. Do đó, trong hơn 50 năm qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chưa thể cấp phép loại kháng sinh mới nào có thể tiêu diệt được CRAB.
Vi khuẩn này có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài trên các thiết bị dùng chung. Chúng có thể lây lan qua tay người, thông qua hoạt động tiếp xúc thông thường. Ngoài gây ra các bệnh truyền nhiễm về máu, CRAB còn gây bệnh cho phổi và đường tiết niệu.
CRAB là mối đe dọa lớn với các bệnh viện, viện dưỡng lão và những bệnh nhân đang lệ thuộc vào máy trợ thở, máy lọc máu. Chúng cũng gây nguy hiểm cho những người có vết thương hở sau phẫu thuật. Số liệu thống kê cho thấy 20% số ca bệnh tại các khoa chăm sóc đặc biệt trên thế giới nhiễm vi khuẩn này.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), kháng kháng sinh đang là một mối lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng. Theo Everyday health, hiện nay có 7 loại khuẩn kháng thuốc nguy hiểm nhất.
Clostridium Difficile (C.diff)
Đây là một loại vi khuẩn sống trong ruột. Theo nghiên cứu trên tạp chí y khoa New England, C.diff gây ra trên 450.000 ca nhiễm khuẩn đường ruột mỗi năm ở Mỹ. Biểu hiện là đau quặn bụng, viêm hoặc tiêu chảy. C.diff có thể lây truyền qua việc sử dụng chung phòng tắm với những người bị nhiễm. Do đó bạn luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt trong môi trường y tế. Uống kháng sinh đúng cách và bổ sung men vi sinh để ngăn ngừa nhiễm C. diff. CDC khuyến cáo nên đi khám nếu bị tiêu chảy trong 3 tháng sử dụng kháng sinh.
Nhóm vi khuẩn đường ruột kháng Carbapenem (Enterobacteriaceae – CRE)
Nhóm vi khuẩn này gây nhiễm trùng phổi, da, bàng quang và máu. E.coli và Klebsiella là hai loại vi khuẩn đường ruột phổ biến nhất. CDC xếp nhóm vi khuẩn này trong nhóm “mối đe dọa nghiêm trọng” vì chúng có thể kháng lại các loại kháng sinh thông thường tương tự penicillin. CRE dễ lây nhiễm trong môi trường y tế như bệnh viện. Nên chủ động phòng ngừa, vệ sinh thiết bị y tế đúng cách, thường xuyên giữ vệ sinh cả nhân viên y tế lẫn người bệnh.
Siêu vi khuẩn lậu kháng thuốc (Neisseria gonorrhoeae)
Đây là nhóm vi khuẩn lây qua đường tình dục gây ra các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đường sinh dục, nhiễm khuẩn trực tràng, vô sinh ở cả nam và nữ nếu không được chữa trị.
Theo CDC, các loại thuốc có thể chữa khỏi loại nhiễm trùng này đang giảm đáng kể do tình trạng kháng thuốc. Tránh nhiễm khuẩn gonorrhoeae bằng cách quan hệ tình dục an toàn như sử dụng bao cao su…
Tụ cầu khuẩn (Staphylococcus aureus) kháng Methicillin (MRSA)
Khoảng 2% người có vi khuẩn MRSA trong mũi và trên da. Nếu chúng xâm nhập vào những vết thương hở hoặc hệ miễn dịch không thể kiểm soát được thì gây viêm da và nhiễm trùng máu.
MRSA lây truyền qua những dụng cụ y tế, dùng chung dao cạo râu hoặc những vật dụng cá nhân khác. Nên giữ vết thương sạch sẽ, băng bó cẩn thận và vệ sinh tốt, đặc biệt trong môi trường tập thể như trại hè, ký túc xá, doanh trại quân đội.
Phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumoniae)
Ho là con đường lây truyền phế cầu khuẩn phổ biến nhất. Chúng có thể gây viêm tai, viêm xoang, viêm phổi và viêm màng não. Thông thường, tiêm vắcxin phế cầu có thể giảm nguy cơ lây lan phế cầu khuẩn kháng thuốc. Liều vắcxin mạnh hơn thường được khuyến cáo dành cho những người trên 65 tuổi. Đây là nhóm tuổi có nguy cơ cao nhiễm phế cầu khuẩn.
Sốt rét là bệnh gây ra bởi các ký sinh trùng truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Có 5 loại ký sinh trùng gây sốt rét. Ba trong số 5 loại đó hiện nay đã kháng lại thuốc chống sốt rét.
Ký sinh trùng sốt rét gây sốt, mệt mỏi rã rời, buồn nôn và nôn mửa. Sốt rét nguy hiểm với trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ tử vong do sốt rét đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua song vẫn cướp đi sinh mạng khoảng 584.000 người trên thế giới năm 2013. Cách tốt nhất để phòng tránh sốt rét là sử dụng màn chống muỗi khi ngủ ở những vùng lưu hành dịch.
Lao đa kháng thuốc (MDR) và lao đa kháng thuốc lan rộng (XDR)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lao là bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong thứ hai thế giới. CDC ước tính hiện có trên 480.000 ca lao đa kháng thuốc trên toàn cầu, khoảng một nửa trong số đó được chữa khỏi.
Vi khuẩn lao có thể lây truyền qua ho, hắt xì nên nguy hiểm với những người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Thời gian ủ bệnh lao khá dài, người có nguy cơ nên đi khám và làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sớm.
An Dương (T/h)