Công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản tiếp tục được tăng cường

Năm 2023, ngành nông nghiệp đã thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023; Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 – 2030; Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025; Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm; triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn  2021 – 2025”, Chương trình phối hợp với 03 thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ) về đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia để thực thi hiệu quả Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của WTO và cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do”.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho thế giới”, nhất là cho các đô thị lớn; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn với 2.510 chuỗi (duy trì kết quả từ cuối năm 2022), trong đó có sự tham gia của trên 300 công ty, 150  hợp tác xã.

Bộ đã chỉ đạo nhân rộng, mở rộng sản xuất nông nghiệp tập trung, sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Chuyển từ thanh, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất; tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, thắt chặt khâu buôn bán, lưu thông.

Tổ chức lấy mẫu giám sát các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng nhiều, nguy cơ cao, kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất xử lý. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu 97,6%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 99,2%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 82%, tăng 7%.

nong-sanat-16-35-45-996-1704440342
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Kế hoạch thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả: Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030; các Chương trình phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Công Thương và với UBDN các TP: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ về đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm truy xuất nguồn gốc; mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản. Nhân rộng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy suất nguồn gốc.

Duy trì giám sát, cảnh báo, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm; hướng dẫn cải thiện điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, công bố sản phẩm, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Theo dõi sát và kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; báo cáo, hướng dẫn xử lý và triển khai các biện khắc phục đối với các lô hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước vi phạm an toàn thực phẩm. Chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang; hướng dẫn cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng biết cách lựa chọn sản phẩm an toàn. Giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm duy trì và mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản. 

Theo Thương Hiệu Và Công Luận

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích