Nông sản Việt Nam rộng cửa vào Trung Quốc

Khơi thông thị trường cho nông sản

Cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) – cho biết, việc ký Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu chính ngạch sang Trung Quốc là một bước quan trọng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, và người dân trồng dưa hấu của Việt Nam.

Khi Nghị định thư được thực hiện, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi vào năm tới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh hơn nhiều. Hải quan Trung Quốc sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ còn 2 – 3% nên sẽ không còn cảnh dưa hấu bị ùn tắc khi bước vào cao điểm như lễ Tết mọi năm. Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này cũng sẽ ổn định hơn, giúp người dân trồng dưa tăng thu nhập.

1
Việt Nam ký kết Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu tươi sang thị trường Trung Quốc.

Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 1/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho thấy, việc ký kết Nghị định thư đã mang đến mức tăng trưởng đáng kể cho quả chuối Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam vươn lên là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 2 cho Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường Trung Quốc dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu nông sản Việt Nam năm 2023, với con số 12,2 tỷ USD, chiếm 23%.

Về mặt hàng rau quả, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất.

Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 đạt khoảng 2,2 – 2,3 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021.

Nằm trong Top doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lớn nhất, Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cũng đã có một năm khá thành công với thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu sầu riêng chính ngạch thì dự báo giá trị của trái cây này chỉ đạt hơn 1 tỷ USD nhưng kết thúc năm 2023 đã đạt gần 2 tỷ USD.

Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ thống nhất và ký nghị định thư.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai-Cục Hải quan tỉnh Lào Cai cho biết, trong 3 ngày đầu năm 2024, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản; trong đó riêng mặt hàng quả sầu riêng đã xuất trên 255 tấn, đạt kim ngạch gần 1 triệu USD.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này.

Riêng nhóm hàng rau quả thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chile.

Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường

2
Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 2 cho Trung Quốc.

Đến nay, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.

Hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Khi 6 mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp.

Dù Trung Quốc đã và sắp ký thêm Nghị định thư cho nhiều mặt hàng nông sản Việt, nhưng thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, nông dân trong nước là phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật… Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan, khi đó sẽ là điểm trừ cho hàng Việt.

Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhấn mạnh, chỉ có tổ chức sản xuất bài bản mới có thể đi đường dài, không chỉ sang Trung Quốc, mà với nhiều thị trường trên toàn cầu.

Để giữ uy tín, thị trường cho trái cây xuất khẩu Việt Nam, lãnh đạo Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn cho biết đã chỉ đạo các cục chuyên ngành trong việc giám sát mã số sau vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đều phải đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm quy định trong các Nghị định thư.

Khơi thông và giữ thị trường sẽ giúp nông sản Việt Nam nói chung, rau quả và trái cây Việt Nam nói riêng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường tỷ dân này.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam nhận định, năm 2023 mới là năm khởi động với xuất khẩu rau quả Việt Nam. Bởi Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu với nhiều sản phẩm đang chờ đón được mở cửa.

Ông Tiến cho hay, cơ hội XK rau quả sang thị trường Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng khi mới đây, Bộ NNPTNT (Việt Nam) và Tổng cục Hải quan (Trung Quốc) đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi XK từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư là bước thúc đẩy XK chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống này của Việt Nam. Để rau quả Việt Nam tiếp tục tiến sâu vào các thị trường, cần hoàn thiện khâu quản lý DN, quy trình sản xuất, phối hợp trong chuỗi liên kết… những ngành hàng đã rút ra được các bài học và năm sau có thể có thể chiếm lĩnh thị trường.

Để tạo đà cho DN nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rất cần sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là XK chính ngạch. Cùng đó, tăng cường truyên truyền hướng dẫn người sản xuất, DN nâng cao chất lượng sản xuất rau quả thông qua thực hành nông nghiệp GAP, nông nghiệp tốt để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là dư lượng hoá chất trong sản phẩm của các thị trường nhập khẩu.

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích