Sức bật mạnh mẽ của sản phẩm OCOP

Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước với 2.167 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, chiếm 22% trong tổng số 9.852 sản phẩm OCOP của cả nước. Thành phố Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Sức bật mạnh mẽ của sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Sau gần 4 năm triển khai, chương trình OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn; giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

Còn tại tỉnh biên giới phía Bắc – Lào Cai, tính đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 176 sản phẩm nông sản đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 23 sản phẩm đạt 4 sao và 153 sản phẩm đạt 3 sao; hiện đang duy trì và phát triển 132 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận; trong đó có trên 60 chuỗi nông sản hiện đang cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận và 328 dòng sản phẩm an toàn thuộc trên 104 doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử; giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh nhờ minh bạch thông tin tới người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm an toàn của tỉnh Lào Cai.

Tại tỉnh Bắc Giang, qua 5 năm triển khai chương trình OCOP, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 255 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, 224 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng 5 sao cấp quốc gia là sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven, huyện Yên Thế. Điều đáng mừng là trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, toàn bộ 10/10 huyện, thành phố đều có sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP, góp phần thiết thực vào xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Các sản phẩm được công nhận OCOP cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, của các làng nghề, làng nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000, HACCP, VietGap, GlobalGap. Một số sản phẩm OCOP thế mạnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội.

Theo thống kê, đến hết năm 2023, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP, vượt hơn 10% so với mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao, gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao và tiềm năng 5 sao đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của nhiều thị trường xuất khẩu.

Tại Tọa đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP”, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp đánh giá: Những chỉ số trên cho thấy, chất lượng sản phẩm OCOP đã được nâng cao và cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ tạo ra giá trị mới cho sản phẩm nông sản bản địa. Nhiều sản phẩm mới được giới thiệu dựa trên những giá trị bản địa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Vì thế, từ chỗ chủ yếu tập trung tiêu thụ với quy mô nhỏ trong một huyện, một tỉnh, các sản phẩm OCOP hiện đã phủ khắp thị trường nội địa và bước đầu xuất khẩu. Cùng với đó, số lượng sản phẩm OCOP cũng mở rộng rất nhanh. Trước đây, các sản phẩm có thế mạnh tập trung vào mặt hàng gạo, các loại hạt, nhưng hiện nay nhiều mặt hàng đặc sản truyền thống chế biến đã và đang có mặt trên nhiều kệ hàng, trong đó có nhiều hệ thống phân phối, siêu thị lớn, các cửa hàng tiện lợi, điểm phân phối sản phẩm OCOP nằm trong các khu dân cư đông đúc.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, từ năm 2020 trở về trước, cả nước chủ yếu tập trung phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng, hình thành hệ sinh thái sản phẩm OCOP, thì từ năm 2021 đến nay, công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Tại một số chuỗi chuyên doanh thực phẩm, sản phẩm OCOP chiếm tới 50%.

Hiện nay đã có nhiều sản phẩm OCOP đặc sản truyền thống thuộc danh mục thực phẩm chế biến đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất khắt khe và kén khách hàng như mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu sang Nhật, Australia hay miến dong của Bình Liêu cũng chuẩn bị xuất khẩu sang châu Âu, Australia. Bên cạnh đó, năm 2023, 2 gian hàng OCOP quốc tế đã được tổ chức tại tuần lễ hàng Việt tại Central World ở Bangkok (Thái Lan) và lần đầu tiên một không gian sản phẩm OCOP được tổ chức ở Milan (Italia).

Đặc biệt, năm 2023, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội gắn với thương mại điện tử cùng sự nở rộ của hình thức mua sắm kết hợp giải trí, sản phẩm OCOP đã cạnh tranh ngang ngửa các mặt hàng vốn là thế mạnh của kinh doanh online như đồ gia dụng, mỹ phẩm. Chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok Shop Việt Nam đã có hơn 800 phiên chợ OCOP được triển khai với doanh thu 100 tỉ đồng, tiếp cận 300 triệu lượt người xem, góp phần lan toả giá trị sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển và góp phần thúc đẩy kinh tế của các địa phương.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích