Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: Thực trạng – Xu hướng và giải pháp phát triển

Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: Thực trạng – Xu hướng và giải pháp phát triển

Nông nghiệp hữu cơ dựa vào hệ sinh thái sống động và chu trình tự nhiên. Các thành phần trong hệ sinh thái làm việc cùng nhau, cạnh tranh nhau và cùng nhau duy trì cuộc sống.

PHẦN I. NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA SẢN XUẤT HỮU CƠ

1. Nông nghiệp hữu cơ là gì?

Năm 2005 tại Đại hội của tổ chức hữu cơ thế giới (IFOAM) lần thứ 15 đã thống nhất khái niệm về NNHC: “Nông nghiệp hữu cơlà một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, của hệ sinh thái và con người. Nó dựa chủ yếu vào các tiến trình sinh thái, sự đa dạng sinh học và các chu trình thích nghi với điều kiện địa phương hơn là sử dụng các yếu tố đầu vào mang theo những ảnh hưởng bất lợi. Nông nghiệp hữu cơ kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích cho môi trường chung, thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả các thành phần tham gia vào NNHC”[1].

tm-img-alt
Nông nghiệp hữu cơ dựa vào hệ sinh thái sống động và chu trình tự nhiên. Ảnh: ITN

Hoặc nói một cách khác để nhận biết cụ thể hơn khi thực hành hữu cơ: Sản xuất hữu cơ là quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ về nước tưới, đất không bị ô nhiễm; không sử dụng các vật tư đầu vào là phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và các thuốc kích thích sinh trưởng bằng hóa chất; không dùng giống cây trồng, vật nuôi và nguyên liệu có nguồn gốc là sinh vật biến đổi gen (GMOs). Do vậy sản xuất hữu cơ là sản xuất cho sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và sản xuất thân thiện với môi trường.

2. Những nguyên tắc chung của sản xuất hữu cơ:

Nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hữu cơ cần đảm bảo 4 nguyên tắc sau:

1. Nguyên tắc về sức khoẻ:

Nông nghiệp hữu cơ cần đảm bảo và tăng cường sức khoẻ của đất, của cây trồng, động vật, con người và cả hành tinh như một thể thống nhất không thể tách rời.

Nguyên tắc này chỉ rõ rằng sức khoẻ của mỗi cá thể và quần thể không thể tách rời khỏi sức khoẻ của hệ sinh thái. Đất “khoẻ” tạo ra cây trồng khỏe, để nuôi dưỡng sức khoẻ của vật nuôi và con người. Vai trò của nông nghiệp hữu cơ dù là trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ hay tiêu dùng thì đều cần đảm bảo duy trì và tăng cường sức khoẻ của hệ sinh thái và các sinh vật sống từ nhỏ nhất ở trong đất đến con người. Đặc biệt, nông nghiệp hữu cơ tập trung sản xuất các loại lương thực thực phẩm có chất lượng cao, giầu dinh dưỡng để cung cấp và bảo vệ sức khoẻ của con người. Trên cơ sở nguyên tắc này, nông nghiệp hữu cơ phải tránh sử dụng các loại phân hoá học tổng hợp, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kháng sinh và các chất kích thích – mà đó là những nguyên liệu đầu vào có ảnh hưởng đối nghịch về sức khỏe.

2. Nguyên tắc về sinh thái:

Nông nghiệp hữu cơ dựa vào hệ sinh thái sống động và chu trình tự nhiên. Các thành phần trong hệ sinh thái làm việc cùng nhau, cạnh tranh nhau và cùng nhau duy trì cuộc sống. Nguyên tắc này gắn NNHC sâu vào trong hệ sinh thái năng động. Nó cho thấy sản xuất phải được dựa vào các tiến trình của sinh thái và sự tái sinh. Để có được thức ăn và sức khỏe tốt phải thông qua sinh thái của môi trường sản xuất cụ thể. Ví dụ như đối với cây trồng thì cần có một môi trường đất sống động, đối với động vật nuôi cần có hệ sinh thái trang trại, đối với cá và các sinh vật biển là môi trường nước.

Các hệ thống canh tác hữu cơ, đồng cỏ chăn thả và hệ thống thu hái tự nhiên cần phù hợp với các chu trình sinh thái và sự cân bằng trong tự nhiên. Quá trình quản lý phải phù hợp với quy mô, với văn hóa với sinh thái và các điều kiện địa phương. Giảm thiểu đầu vào bằng cách tái sử dụng, tái chế và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng và vật liệu đầu vào để duy trì và cải thiện chất lượng môi trường và bảo tồn các nguồn lực.

3. Nguyên tắc về sự công bằng:

NNHC cần xây dựng trên mối quan hệ đảm bảo tính công bằng cùng với sự quan tâm đến môi trường chung và những cơ hội sống cho tất cả các sinh vật.

Sự công bằng được mô tả như là sự hợp tình hợp lý, sự tôn trọng, ngay thẳng và tận tình đối với con người và cả với những mối quan hệ với các đời sống khác ở xung quanh. Nguyên tắc này nhấn mạnh rằng tất cả những gì có liên quan đến nông nghiệp hữu cơ cần đối xử trong mối quan hệ như con người đảm bảo công bằng tới tất cả các tầng lớp và các bên liên quan: nông dân – công nhân – trí thức – nhà phân phối – thương nhân và người tiêu dùng. Nó cũng bao hàm rằng các vật nuôi hữu cơ cần được tôn trọng và được cung cấp những điều kiện và cơ hội sống theo bản năng, tập tính tự nhiên và sống thoải mái.

Công bằng còn được thể hiện trong cách sử dụng và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên không chỉ đảm bảo tính sinh thái mà còn chú trọng đến tính xã hội trong sự tin tưởng đối với các thế hệ tương lai. Sự công bằng này đòi hỏi các hệ thống sản xuất, phân phối và thương mại cần cởi mở và công bằng tính toán đến các chi phí thực tế cho môi trường và xã hội.

4. Nguyên tắc về sự cẩn trọng:

NNHC cần được quản lý theo cách phòng ngừa và có trách nhiệm để bảo vệ môi trường, sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đó là những quan tâm chính trong việc lựa chọn cách quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ. NNHC cần ngăn ngừa những khả năng rủi ro trước khi áp dụng công nghệ và không chấp nhận sử dụng những công nghệ không thể dự đoán được những hậu quả của nó như công nghệ gen chẳng hạn.

Người làm nông nghiệp hữu cơ có thể cố gắng tìm cách tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, nhưng không được gây ra các nguy cơ có hại cho sức khoẻ và đời sống muôn loài. Do đó, các công nghệ mới cần được đánh giá và cân nhắc các phương pháp hiện tại đang vận dụng. Những hiểu biết chưa đầy đủ về nông nghiệp và sinh thái khi được đưa ra cần phải được cân nhắc cẩn thận.

Nông nghiệp hữu cơ cần phòng ngừa các rủi ro nghiêm trọng thông qua áp dụng các công nghệ thích hợp và loại bỏ những công nghệ khó lường trước như kỹ thuật chuyển gen. Các quyết định nên phản ánh các giá trị và nhu cầu của tất cả mọi đối tượng có thể bị ảnh hưởng thông qua quá trình minh bạch có sự tham gia.

PHẦN II: THỰC TRẠNG VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

1. Nông nghiệp hữu cơ trên thế giới

IFOAM là viết tắt của Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế. Đây là tổ chức quốc tế duy nhất về NNHC (Trụ sở tại Liên Bang Đức). Đến nay theo IFOAM, nông nghiệp hữu cơ là một trong những lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp phát triển nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng hai con số hàng năm đất theo canh tác hữu cơ, giá trị của sản phẩm hữu cơ và số lượng những người nông dân tham gia. Năm 2003, có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp hữu cơ và giá trị thị trường toàn cầu hàng hóa hữu cơ là 25 tỷ USD / năm (Willer và Yussefi 2005), chiếm khoảng 2% so với khoản tiền 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu (Wood et al.2001). Nhưng năm 2012 đã tăng lên 37,5 triệu ha với giá trị thị trường là 64 tỷ USD/năm. Như vậy, diện tích và nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm hữu cơ (FiBL & IFOAM, 2014).

Doanh số bán ra tăng nhanh qua các năm so với năm 1999, năm 2004 tăng 188%, năm 2009 tăng gấp hơn 3 lần, năm 2018 tăng hơn 7 lần so với năm 1999 (xem số liệu Bảng 1 dưới đây)

Bảng1. Sự phát triển thị trường toàn cầu về thực phẩm hữu cơ (1999-2020)

tm-img-alt
Theobáo cáoFiBL2000-2020

2. Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam

Giai đoạn NNHC trước những năm 2010 là thời gian các cá nhân, đơn vị, tổ nhóm hợp tác đầu tư tự phát do sự đam mê, yêu thích sản xuất NNHC. Sau một thời gian đã có sản phẩm hữu cơ bán lẻ trên thị trường; nhưng đã vấp phải rất nhiều khó khăn trở ngại và khó có thể phát triển tăng thêm. Bởi không có hành lang pháp lý nào của nhà nước cho NNHC; Không có tiêu chuẩn và hầu như không có tuyên truyền về NNHC. Cộng đồng xã hội hầu như không có khái niệm: Sản xuất hữu cơ – Nông nghiệp hữu cơ – Sản phẩm hữu cơ… Trong bối cảnh như vậy Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt nam đã được thành lập theo quyết định số 1820/2011/QĐ-BNV. Sự kiện thành lập Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam là một bước ngoặt của phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội sau khi ra đời đã có những kết quả hoạt động thực chất, nhất là tư vấn, đề xuất với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ và Chính phủ về ban hành chính sách. Thúc đẩy kết nối các cá nhân, đơn vị tham gia chuỗi tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; đồng thời Hiệp hội là ngôi nhà chung, là trung tâm tập hợp những cá nhân, đơn vị có tâm huyết tham gia nghiên cứu, sản xuất, phân phối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

Bảng 2: Tổng hợp sơ lược tình hình phát triển NNHC Việt Nam 2016-2018 (Theo Báo cáo thường niên của IFOAM)

tm-img-alt

3. Về chủ trương chính sách:

Đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm có chủ trương chính sách cho nền NNHC Việt Nam phát triển bền vững. Hiệp hội trích dẫn các chủ trương, chính sách cụ thể:

1/ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (Khóa XII) tháng 12/2016 BCH TW Đảng:

“… Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn…”

2/ Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/01/2017 của Ban bí thư:

“…Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch…”

3/ Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội:

“… Tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao…”

4/ Nghị quyết Đại hội Đảng Khóa XIII

5/ Nghị định của Chính phủ số 109/2018/NĐ-CP  ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ

6/ Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019: Quy định chi tiết một số điều của Nghị định 109/2018/NĐ-CP  ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ

7/ Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 tại Quyết định Số 885/QĐ-TTg  ngày 23/6/2020

8/ Tiêu chuẩn quốc gia về NNHC: 11041:2017 và 11041:2018 (Gồm có 8 tiêu chuẩn quốc gia) TCVN 11041:2017 và TCVN 11041: 2018

4. Những cơ hội, thách thức và giải pháp triển khai thực hành “nông nghiệp hữu cơ” trong tình hình mới

* Những cơ hội thuận lợi:

  1. Chính sách phát triển NNHC tại Việt Nam đã gần như đầy đủ cơ sở pháp lý cho các Địa phương tổ chức triển khai thực hiện sản xuất, tiêu thụ và hỗ trợ lĩnh vực sản xuất hữu cơ.
  2. Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên thế giới đồng thời tham gia nhiều Hiệp định thương mại khu vực và quốc tế như WTO, FTA, CPTPP…
  3. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên Việt Nam và Thế giới vẫn giữ được mức phát triển ổn định trong khủng hoảng kinh tế và bước vào giai đoạn mới (các doanh nghiệp lớn, các hệ thống siêu thị, các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển hữu cơ một cách bài bản, thay vì giai đoạn trước là các Tổ chức Phi chính phủ (NGOs), các công ty vừa và nhỏ phát triển theo phong trào).

* Một số thách thức trở ngại chủ yếu:

– Người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về NNHC và SPHC, do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang NNHC.

– Hạ tầng phụ trợ (chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung cấp vật tư cho NNHC như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc trừ sâu…) cho NNHC hầu như chưa có.

– Danh mục đầu vào được sử dụng trong sản xuất hữu cơ vẫn chưa được ban hành.

– Về tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ: Phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao, trong khi các tổ chức chứng nhận trong nước chứng nhận theo TCVN chưa thực sự chiếm được lòng tin của động đồng.

– Sản xuất thông thường như hiện nay (có hóa chất ở phân bón, thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng…) đã trở thành thói quen gần 60 năm qua trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy khi chuyển đổi sang phương pháp canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ phải được coi là một cuộc “cách mạng”của tất cả các cấp và người lao động nông nghiệp.

Vì vậy, các tỉnh thành địa phương, các doanh nghiệp khi quan tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ cần có phương án, đối sách và chiến lược cụ thể phù hợp để sử lý được các khó khăn trên đây.

PHẦN III – VAI TRÒ CỦA NNHC TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ

Trung du miền núi phía bắc nước ta là vùng có thể mạnh, thuận lợi cho phát triển NNHC. Nhưng nông dân khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều khó khăn như: Thu nhập thấp, sản xuất nhỏ lẻ, địa hình chia cắt, cơ sở hạ tầng còn rất khó khăn… Bên cạnh đó cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được đánh thức trong sản xuất nông lâm nghiệp có thế mạnh là đất nông lâm nghiệp chiếm phần lớn khoảng trên 70%. Ngoài sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và một phần hàng hóa trên thị trường, còn là vùng cung cấp lớn nhất nguyên liệu cho công nghiệp giấy, chế biến gỗ; trong vùng diện tích rộng lớn về rừng ngoài gỗ còn có sản phẩm ngoài gỗ dưới tán rừng. Đây là tiềm năng thế mạnh ở những địa phương có rừng, bao gồm cả rừng tự nhiên đặc dụng, các sản phẩm dễ nhận thấy đó là: các loại quả tự nhiên (trám đen, trám xanh, quả gắm…), các loại rau từ rừng (rau sắng, rau ngót rừng, bò khai…), các loại măng rừng (măng tre, nứa, vầu,…), cây thuốc các loại vô cùng phong phú và đa dạng sinh học là nguồn dược liệu quý hiếm có tác dụng rất tốt cho con người. Hiện nay người dân vùng gần rừng vẫn khai thác những sản những lâm sản ngoài gỗ và bán với giá sản phẩm thông thường. Hầu như chưa có địa phương nào tổ chức cho thu hái sản phẩm tự nhiên để thực hiện theo phương pháp quy định của tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu áp dụng phương pháp thu hái tự nhiên hữu cơ sẽ được chứng nhận đó là sản phẩm hữu cơ và có lợi ích thiết thực sau đây.

tm-img-alt
Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Ảnh: ITN

– Bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn vì thu hái có tổ chức và thu hái theo quy trình không dẫn đến sự sự tiệt chủng, hủy hoại môi trường, đảo lộn sự sinh trưởng phát triển của khu vực. Đảm bảo rằng khu vực thu hái các loài sinh vật vẫn phát triển bình thường theo quy luật tự nhiên.

– Bảo vệ rừng tốt hơn cho địa phương bởi khu vực thu hái theo phương pháp hữu cơ phải xác định, đo vẽ khu vực và kiểm tra các chỉ tiêu về đất, nước có an toàn đạt tiêu chuẩn. Thành lập tổ nhóm, hợp tác xã có lịch thời gian thu hái và có tập huấn cho người dân, có giám sát của cán bộ chứng nhận.

– Thu nhập cao hơn cho người sống ven rừng, sống bằng nghề trồng, bảo vệ rừng. Trên thế giới và nước ta người khi tiêu dùng rất ưa chuộng sử dụng sản phẩm thiên nhiên vì sản phẩm chất lượng cao, an toàn và tốt cho sức khỏe. Nếu thực sự thu hái tự nhiên đúng phương pháp hữu cơ sẽ được cấp chứng nhận là sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia(TCVN) hoặc các tiêu chuẩn quốc tế (Mỹ, Châu Âu, Nhật…).

* Về canh tác nông nghiệp hữu cơ ở vùng miền núi phía Bắc rất có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn khu vực khác:

– Còn nhiều khu vực (xã, huyện) ở miền núi đất đai hầu như còn rất “sạch” không bị ô nhiễm bởi phân, thuốc trừ sâu hóa học không sử dụng. Đa số các vùng miền núi phía Bắc còn nhiều vùng đất canh tác nông nghiệp thuận lợi như đất, nước, không khí còn trong lành, chưa ô nhiễm. Bởi trước khi canh tác hữu cơ phải kiểm định chất lượng thổ nhưỡng, nước và không khí đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, nếu các khu vực ô nhiễm nặng do sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu hóa học sẽ phải chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ 3 năm (khu vực đồng bằng). Trong thời gian chuyển đổi phải sử dụng phân bón hữu cơ và các vật tư đầu vào theo quy định tiêu chuẩn hữu cơ… Vì vậy chi phí ban đầu cho sản xuất hữu cơ là rất cao.

Như vậy, khu vực miền núi phía Bắc nước ta là vùng có điều kiện thiên nhiên thuận lợi, ưu đãi và đất canh tác nông nghiệp hữu cơ chi phí là rất thấp./.

[1] Theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP

Hà Phúc Mịch,

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích