QCVN về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử vành bánh xe mô tô, xe gắn máy
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử vành bánh xe mô tô, xe gắn máy Mã số đăng ký: QCVN 113:2023/BGTVT. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.
Quy chuẩn này quy định về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với vành, vành bánh xe dùng cho xe mô tô, xe gắn máy (bao gồm vành bánh xe làm bằng thép, hợp kim); Quy chuẩn này không áp dụng đối với vành, vành bánh xe sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng.
Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu vành hoặc vành bánh xe dùng cho xe mô tô, xe gắn máy, cơ sở sản xuất lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc quản lý, thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng đối với vành, vành bánh xe dùng cho xe mô tô, xe gắn máy.
Thông tư số 46/TT-BGTVT bãi bỏ Thông tư số 52/2012/TT-BGTVT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng xe mô tô, xe gắn máy.
Đối với hồ sơ thử nghiệm được đăng ký trước ngày QCVN 113:2023/BGTVT có hiệu lực thì tiếp tục thử nghiệm và chứng nhận chất lượng theo QCVN 44:2012/BGTVT hoặc QCVN 46:2012/BGTVT.
Trong vòng 01 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các vành, vành bánh xe đã được chứng nhận chất lượng theo QCVN 44:2012/BGTVT hoặc QCVN 46:2012/BGTVT không phải thử nghiệm, chứng nhận lại.
An Hạ