TP.HCM chi hơn 915 tỷ đồng chăm lo Tết cho người dân
Thông tin trên được bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cung cấp tại cuộc họp báo định kỳ, chiều 4/1.
Theo đó, số tiền hơn 915 tỷ từ ngân sách sẽ được TP.HCM dùng để chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 cho các đối tượng chính sách có công, cán bộ hưu trí, diện người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội.
Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM. Ảnh: Thành Nhân. |
“Năm nay, kinh phí dự kiến tổ chức các hoạt động và chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 tăng hơn 34 tỷ, khoảng 3,9% so với Tết Quý Mão 2023. Với nguồn kinh phí này, Thành phố sẽ trao hơn 475.400 suất quà cho người có công, nhóm bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn… trên địa bàn. Mức hỗ trợ mỗi trường hợp 1,3-3,1 triệu đồng”, bà Trang nói.
Ngoài ra, Thành phố cũng tặng quà Tết cho hơn 135.300 cán bộ, công chức, người lao động làm việc trên địa bàn, mỗi suất trị giá 1,8 triệu đồng.
Bên cạnh nguồn từ ngân sách, các cấp công đoàn cũng dành hơn 130 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động khó khăn. Nhóm được ưu tiên là công nhân bị mất việc, thiếu giờ làm, lương giảm… Hình thức chăm lo bao gồm tặng tiền mặt, quà Tết, tặng vé xe.
Dịp Tết, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi cho người lao động không có điều kiện về quê. Thành đoàn kết nối giới thiệu khoảng 10.000 việc làm Tết cho người có nhu cầu.
“Thành đoàn TP.HCM cũng vận động kinh phí hơn 15 tỷ đồng để tặng hơn 22.000 suất quà cho người khó khăn; tặng hơn 3.700 vé tàu, xe cho sinh viên, học sinh và thanh niên công nhân về quê”, bà Trang nói.
Khoảng 29.000 vị trí việc làm cần tuyển lao động dịp Tết
Cũng tại cuộc họp báo, về tình hình lao động trên địa bàn Thành phố, bà Trang thông tin, dịp Tết Giáp Thìn 2024, TP.HCM có khoảng 25.000 – 29.000 vị trí công việc cần tuyển lao động (khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 69,58%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 30,10%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,32%).
Theo bà Trang, nhu cầu tuyển dụng tập trung trong các ngành như dệt may – giày da; dịch vụ lưu trú và ăn uống; bán buôn và bán lẻ; du lịch; dịch vụ giải trí; chăm sóc sức khỏe; dịch vụ cá nhân, bảo vệ…
“Nhu cầu lao động tăng ở lao động thời vụ, bán thời gian với nhiều vị trí như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng, nhân viên đóng gói, nhân viên phục vụ”, bà Trang cho hay.
Sau Tết Nguyên đán, dự kiến nhu cầu nhân lực cần từ 48.971 – 57.471 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành, lĩnh vực như dệt may – da giày; dịch vụ lưu trú và ăn uống; chế biến thực phẩm; nhựa – cao su.
Riêng nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 70,56%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,78%.
Nguồn: Báo lao động thủ đô