Quảng Ninh: Cần công khai phương án xử lý chất thải tại dự án nghìn tỷ ở Cẩm Phả
Quảng Ninh: Cần công khai phương án xử lý chất thải tại dự án nghìn tỷ ở Cẩm Phả
Trước thực trạng xử lý chất thải tại dự án nghìn tỷ không đảm bảo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, dư luận đề nghị chính quyền TP Cẩm Phả, chủ đầu tư cần công khai phương án và vị trí xử lý chất thải của dự án.
‘Mập mờ’ thông tin về phương án đổ thải tại dự án nghìn tỷ
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đăng tải loạt bài viết phản ánh tình trạng người dân bức xúc việc các doanh nghiệp là Công ty TNHH xây dựng và phát triển Thanh Phong, Công ty CP tư vấn và xây dựng Sa Vĩ thực hiện việc dọn dẹp, nạo vét vật liệu thải ở 2 bên tuyến đường tại Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tuyến đường bao biển (giai đoạn 2) nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả, đoạn qua địa bàn TP Cẩm Phả. Dự án có chiều dài hơn 16,8km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 30/4/2023, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Quá trình triển khai vận chuyển chất thải dự án đi xử lý, các đơn vị có dấu hiệu thực hiện không đúng các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, doanh nghiệp còn bị ‘tố’ đổ trái phép hàng vạn m3 chất thải dự án.
Ngay sau phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam, Công an TP Cẩm Phả đã tổ chức cuộc họp khẩn để mời 2 nhà thầu và các cơ quan, đơn vị liên quan của TP Cẩm Phả để xử lý thông tin báo chí phản ánh.
Hiện nay, để tăng cường công tác giám sát cộng đồng trong quá trình xử lý chất thải dự án, dư luận đang đặc biệt quan tâm và đề nghị UBND TP Cẩm Phả, chủ đầu tư cần phải công khai, minh bạch phương án và vị trí đổ thải của dự án đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Có như vậy người dân, báo chí mới có căn cứ, cơ sở để thực hiện quyền giám sát nhà thầu trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường theo luật định.
Để tìm hiểu thông tin liên quan đến nội dung trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với một lãnh đạo Công ty TNHH xây dựng và phát triển Thanh Phong (đơn vị Liên danh nhà thầu thi công dự án). Tại buổi làm việc vị đại diện này cho biết: Vị trí được cấp phép đổ thải của dự án là tại Tây Khe Sim và Lộ Trí. Tuy nhiên chúng tôi phải tập kết tạm tại một địa điểm khác để chờ chất thải khô rồi mới vận chuyển đến 2 điểm đổ thải trên. Vị trí đổ tạm này cũng đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.
Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ, văn bản liên quan đến việc cấp phép phương án, vị trí đổ tạm chất thải dự án, đại diện Công ty Thanh Phong nói sẽ cung cấp sau. Tuy nhiên những ngày sau đó PV đã nhiều lần liên lạc lại, thì vị này tìm mọi lý do để ‘né’ thực hiện lời hứa về việc cung cấp hồ sơ cho PV?!
Để thông tin kịp thời, khách quan về phương án xử lý chất thải của dự án, PV tiếp tục liên hệ với ông Đặng Quốc Toàn – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long, là đại diện chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, ông Toàn cũng viện đủ lý do để từ chối ‘khéo’ việc cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan cho PV, một trong các lý do mà vị giám đốc này đưa ra là việc phát ngôn báo chí UBND TP Cẩm Phả đã giao Trung tâm Truyền thông và Văn hoá Thành phố thực hiện. Nhưng điều đáng nói, trước đó vào sáng ngày 29/12/2023, chính ông Toàn là người chủ động liên hệ qua điện thoại để mời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đến làm việc.
Tiếp đến, với mong muốn có thông tin chính xác để phản ánh sự việc, chiều ngày 02/01/2024, PV đã có buổi làm việc với UBND phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Tại buổi làm việc, trao đổi với PV xoay quanh việc cung cấp hồ sơ cấp phép phương án, vị trí đổ thải tạm của dự án, Chủ tịch phường Quang Hanh Lê Quang Tiến khẳng định: Phương án và vị trí đổ thải của dự án đã được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, TP Cẩm Phả cấp phép.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận các hồ sơ này, người đứng đầu chính quyền phường Quang Hanh bất ngờ cho biết: Hiện nay phường không lưu giữ hồ sơ về việc này. Mấy lần họp với UBND TP Cẩm Phả tôi cũng yêu cầu rồi, và tôi đã nói phường cũng cần có thông tin, hồ sơ về phương án đổ thải tạm đó để chủ động giám sát, và nếu cần thì cũng chủ động cung cấp cho báo chí, người dân. Thế nhưng suốt từ tháng 12/2023 đến nay, Ban Quản lý dự án chưa chuyển mà họ chỉ nói là vẫn đang làm theo đúng quy định?!
Bất thường vị tríđổ thải tạm
Lý giải về nguyên nhân phải vận chuyển chất thải dự án đến tập kết tại điểm đổ thải tạm, tất cả các đơn vị liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án và đại diện chính quyền phường Quang Hanh đều cho rằng, do lượng chất thải dự án bị ướt nên phải phơi khô rồi mới vận chuyển đến điểm đổ thải đã được cấp phép (Tây Khe Sim và Lộ Trí – PV). Thế nhưng giải thích này đã không thuyết phục được nhiều người dân địa phương.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ngay tại điểm nạo vét, tập kết chất thải dự án, ông Trần Văn V. phân tích: Các anh (phóng viên) quan sát có thể thấy rõ lượng đất thải này đã được nhà thầu dùng máy múc tập kết thành bờ, thành đống đã lâu rồi nên hiện nay chất thải này đã khô cứng thì việc vận chuyển sẽ dễ dàng hơn và đảm bảo vệ sinh môi trường nếu các phương tiện vận chuyển được che chắn tốt. Vì vậy, tôi không hiểu tại sao họ lại mất công và tốn kém rất nhiều chi phí để vận chuyển đến điểm đổ tạm chỉ vì mục đích ‘phơi khô’ rồi lại tiếp tục chở đi nơi khác. Họ xử lý như vậy là không cần thiết và quá cồng kềnh!
Cũng theo ông Trần Văn V. tôi được biết vị trí đổ thải tạm của dự án này là tại mặt bằng đang hoàn nguyên của mỏ đá thuộc Công ty CP khai thác đá và sản xuất VLXD Cẩm Phả ở Km6 phường Quang Hanh. Tôi cho rằng vị trí đổ thải tạm này là vị trí rất ‘nhạy cảm’, bởi lẽ, doanh nghiệp quản lý mặt bằng này đang rất cần vật liệu san lấp để hoàn nguyên mỏ đá sau khi khai thác theo quy định, trong khi đó nhà thầu dự án cũng rất cần điểm đổ thải đáp ứng được việc rút ngắn quãng đường vận chuyển để giảm chi phí. Đặc biệt không phải trả phí thuê mặt bằng đổ thải (nếu có), kể cả vị trí đã được cấp phép. Chính vì vậy, nếu các doanh nghiệp này liên kết ‘bắt tay’ nhau phối hợp xử lý hàng vạn m3 chất thải của dự án trên thì cũng không phải chuyện lạ, bởi nếu có xảy ra thì sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả đôi bên, còn ngân sách đầu tư vào dự án có nguy cơ bị ‘rút ruột’.
Để có cơ sở để tham chiếu với giả thiết mà ông Trần Văn V. phân tích ở trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục ghi nhận thực tế tại điểm đổ thải tạm của dự án. Theo quan sát, toàn bộ lượng đất bùn thải ngay khi được tập kết vào mặt bằng hoàn nguyên của mỏ đá thuộc Công ty CP khai thác đá và sản xuất VLXD Cẩm Phả, đều được máy ủi san phẳng và có hiện tượng lu lèn tạo mặt bằng cứng chứ không giống việc tập kết tạm để… phơi khô như lý giải của các cơ quan, đơn vị đã nêu trên.
Điều này càng cho thấy nhận định của người dân về dấu hiệu ‘phù phép’ hàng vạn m3 chất thải dự án là có cơ sở, việc này rất cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan của tỉnh Quảng Ninh, chính quyền TP Cẩm Phả, và đặc biệt là Công an TP Cẩm Phả cần vào cuộc xác minh, làm rõ nghi vấn này để trả lời minh bạch trước công luận.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị