Những quan điểm đề xuất ấn tượng nào dành cho bãi giữa sông Hồng?
Những quan điểm đề xuất ấn tượng nào dành cho bãi giữa sông Hồng?
Các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, kinh tế và xã hội trong nước và quốc tế đề xuất một số ý tưởng nhằm phát huy, phát triển giá trị văn hóa – lịch sử khu vực Bãi Giữa sông Hồng
Tại hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp”, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, kinh tế và xã hội trong nước và quốc tế đề xuất một số ý tưởng nhằm phát huy, phát triển giá trị văn hóa – lịch sử khu vực Bãi Giữa sông Hồng thành các không gian và mô hình hoạt động sáng tạo cho Hà Nội.
Quy hoạch bãi giữa sông Hồng theo hướng sinh thái nông nghiệp công nghệ cao
Theo ông Sơn, tất cả các bãi giữa nên hướng về quy hoạch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao với kết nối đặc sắc vùng miền. Việc tạo lập này chính là một cơ hội rất lớn để nội thành Hà Nội có các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đời sống con người một cách chủ động và tin cậy nhất.Cách làm này cũng sẽ tạo nên sự hấp dẫn khác lạ trong khai thác du lịch, dịch vụ, khi mà toàn tuyến bãi giữa mang lại một sắc thái “nông thôn giữa thành thị đặc biệt”, góp phần xây dựng hệ thống cân bằng sinh thái bền vững, đặc sắc cho TP phát triển vào tương lai.
Đối với các bãi nổi giữa sông Hồng, cần phải chọn giải pháp thiết kế với mật độ xây dựng ít nhất trên mặt đất. Đối với các bãi bồi ven bờ, việc tạo dựng vật thể kiến trúc, nhất là loại có quy mô rộng và cao có thể có mật độ đậm đặc hơn, nhưng cần tính toán và điều tiết hợp lý.
Những chiếc cầu bắc qua sông, nhất là những chiếc cầu mang yếu tố lịch sử cần được tham chiếu, tích hợp để trở thành những miếng ghép tạo lập. Vấn đề văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam cũng cần ưu tiên, nhằm tạo được cơ hội tôn vinh, thăng hoa cao nhất ở những vùng đất này.
Phát huy giá trị không gian tự nhiên hiếm có ngay giữa trái tim Thủ đô
Chia sẻ quan điểm của một nhà quy hoạch đến từ Úc, ông David Barner cho rằng: Với ý nghĩa và tính chất quan trọng của quy hoạch khu vực Bãi Giữa sông Hồng, chắc chắn sẽ quy tụ được rất nhiều ý tưởng, đề xuất mang tính đột phá để cùng xây dựng nên một viễn cảnh phát triển đầy hứa hẹn. Đó sẽ là một không gian tự nhiên hiếm có ngay giữa trái tim Thủ đô, một không gian văn hóa, tích hợp với những giá trị đổi mới sáng tạo, gắn liền với di sản độc đáo ngay giữa sông Hồng, mạch nguồn của Thủ đô Hà Nội để viết tiếp câu chuyện ngàn năm.
Cho rằng “Điều kiện cần và đủ để đảm bảo thành công cho dự án là cần một cách tiếp cận mở, hệ thống và toàn diện…”, ông David Barner đề xuất một số giải pháp như: Xây dựng một tầm nhìn và chiến lược phát triển lãnh thổ rõ ràng; cần một phương pháp lập quy hoạch linh hoạt, hiệu quả để chuyển hóa từ mong muốn chính trị thành các định hướng phát triển không gian, tiếp nối bởi các chương trình, đề án và kế hoạch thực thi.
Cùng với đó, thiết lập một phương thức quản trị thích ứng thông qua huy động trí tuệ tập thể để đáp ứng các yêu cầu mới của phát triển bền vững; thành lập một số cơ quan, tổ chức đa ngành để phục vụ công tác lập, thực thi và quản lý quy hoạch tổng thể; thành lập một đài quan sát đô thị tổng thể giúp thu thập, xử lý và can thiệp các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường.
Xúc tiến các hoạt động quảng bá thương hiệu lãnh thổ ở mọi quy mô và trên các phương tiện truyền thông, huy động nguồn lực chủ động và khéo léo…
“Tạo ra không gian công cộng tại những khu vực sông ngòi sót lại…”
Theo ông Olivier Souquet, để Hà Nội có thể trở TP xanh, đòi hỏi tất cả các mảnh ghép thiên nhiên trong TP phải được gìn giữ và cần sự chung tay của tất cả mọi người.
Với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra và những thiệt hại mà nó gây ra, đòi hỏi ở mọi nơi trên thế giới, phải có khoản đầu tư lớn hơn 18 lần khoản đầu tư công toàn cầu hiện nay để giảm thiểu tác động… Điều này liên quan đến dòng tài chính toàn cầu hiện tại.
Để cải thiện môi trường sống trong TP, các chính trị gia, nhà quy hoạch đô thị, nhà cảnh quan, KTS và người dân… đều phải hành động, ở mọi quy mô.
Ở Việt Nam, việc thiếu quản lý quỹ đất ngay từ ban đầu đồng nghĩa với việc chỉ còn sót lại các khu vực sông ngòi, hoặc các khu vực thuộc vành đai đô thị, ngoại vi của TP để tạo ra không gian công cộng và công viên.
Những dải đất ven sông là nơi duy nhất mà nước có thể thoát ra. Đó là một không gian “sống” với đa dạng sinh học phong phú.
“Cần dành vùng đất linh địa này cho mục tiêu phát triển vô hạn của TP”
Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh, giá trị cốt lõi của Hà Nội phải là thiên nhiên và tính sáng tạo năng động. Không gian thiên nhiên cốt yếu đã nằm ngay vị trí trung tâm TP, chính là con sông Hồng.
“Cho dù TP phát triển đến đâu thì cũng phải khẳng định rằng: Nằm giữa lòng của nó là một không gian tự nhiên của sông Hồng, là một vùng đất không chỉ có vị trí trung tâm mà còn gắn liền với hồn cốt của cả nền văn minh châu thổ từ cổ xưa tới nay”- KTS Thanh nhấn mạnh.
Khúc sông Hồng chảy qua Hà Nội là nơi hội tụ của các mạch nước, từ các cánh cung thượng nguồn rồi từ đó phân ra toàn châu thổ. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa, là nơi tập trung sức sáng tạo, ít nhất là của cả vùng Bắc Bộ.
Nếu tại trung tâm của khúc sông Hồng lại có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo, nơi tất cả những ý tưởng, những sáng tạo được hội tụ, giao thoa, được giới thiệu với đông đảo các tầng lớp trong và ngoài nước…, thì đó sẽ trở thành một cực phát triển rất hiệu quả, nơi địa linh và nhân kiệt hội tụ.
Còn nếu nó được sử dụng cho mục đích tiêu dùng bình thường (như một khu ở hay khu thương mại) thì sẽ rất lãng phí. 5ha tại vị trí trung tâm Thủ đô là vùng đất rất đáng giá. Cần dành vùng đất linh địa này cho mục tiêu phát triển vô hạn của cả TP cũng như cả đất nước.
“Đảm bảo sự đa dạng sinh học của khu vực…”
Chia sẻ ý tưởng về dự án “Lá phổi xanh Hà Nội” tại dải đất bãi giữa sông Hồng, diện tích 26,3ha, nằm dưới cầu Long Biên và cầu Chương Dương, nhóm tác giả cho biết: Dự án “Lá phổi xanh Hà Nội” hướng đến bảo tồn mũi phía Nam Bãi Giữa, nằm ở khúc quanh của sông Hồng gần khu phố cổ Hà Nội.
Dự án đồng thời khôi phục độ che phủ cây xanh, đa dạng tự nhiên trong khu vực cần được “bảo tồn”; thiết kế và phát triển các tiện ích giải trí phù hợp để tạo điều kiện sử dụng an toàn cho người dân và du khách; xây dựng một cộng đồng các bên liên quan nhằm duy trì sự lành mạnh của khu vực dự án trong tương lai.
Theo nhóm tác giả, sự thành công của dự án này sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội và môi trường cho TP, bao gồm cả việc cải thiện môi trường đô thị không lành mạnh hiện nay.
Hơn nữa, dự án này thể hiện một tầm nhìn táo bạo cho bước phát triển tiếp theo của TP và xã hội. Những không gian thiên nhiên ngoài trời không những chỉ dành cho các hoạt động giải trí, thư giãn mà còn nhằm mục đích giáo dục, nuôi dưỡng mối quan hệ có trách nhiệm giữa con người và thiên nhiên.
Nhóm tác giả kỳ vọng đề xuất “Lá phổi xanh Hà Nội” sẽ vượt ra khỏi giai đoạn ý tưởng nếu được TP Hà Nội chấp thuận và có chế tài để đảm bảo sự đa dạng sinh học của khu vực Bãi Giữa sông Hồng, cũng như hỗ trợ về cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý cho dự án.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị