Bà Rịa – Vũng Tàu: Triệt phá lượng lớn hàng hoá không rõ nguồn gốc bán trên mạng xã hội

Đây là trường hợp đầu tiên lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện, triệt phá với số lượng hàng hóa lớn mà chủ cơ sở bán trên nền tảng mạng xã hội bằng hình thức livestream trên trang Facebook.

Sau thời gian theo dõi hoạt động, ngày 29/12/2023, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Trần Thị Thanh Hoài (Tổ 17, ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là điểm kinh doanh hàng hóa nằm sâu trong khu dân cư, có diện tích khoảng hơn 300m2.

Tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa được chất đống, nằm ngổn ngang từ khu vực phía ngoài cổng đến kho chứa sâu bên hông nhà ở. Theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra, tại đây đang kinh doanh hàng trăm mã hàng hoá từ quần áo, giày dép, nước lau sàn đến các mặt hàng thực phẩm, dầu gội, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có ghi chữ nước ngoài. Qua kiểm đến, tại kho đang trữ, chứa hơn 4.000 sản phẩm hàng hóa các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cục QLTT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang kiểm tra hàng hoá vi phạm.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Toàn bộ hàng hóa được chủ cơ sở nhập từ TP.HCM về bán trên nền tảng mạng xã hội bằng hình thức livestream trên trang Facebook, sau đó vận chuyển đến người tiêu dùng thông qua đơn vị giao hàng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số lượng hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức nên rất khó phát hiện. Các đối tượng này đã lợi dụng địa bàn Thành phố rộng, tập trung nhiều kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa và dân cư tập trung đông, nhu cầu mua sắm của người dân cao nên hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,… vẫn không ngừng được thực hiện.

Nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính, tuy nhiên do việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đem lại lợi nhuận lớn dẫn đến nhiều trường hợp tiếp tục tái phạm.

Tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như facebook, zalo… hoạt động trên nền tảng di động hiện nay rất phức tạp. Việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa để kiểm tra, xử lý; giao nhận qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện. 

Kim Thoa

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích