Toàn cảnh trận động đất lớn dẫn tới sóng thần tại Nhật Bản
Toàn cảnh trận động đất lớn dẫn tới sóng thần tại Nhật Bản
Trận động đất 7.5 độ richter xảy ra vào ngày đầu năm 2024 đã khiến nhiều khu vực tại Nhật Bản rơi vào khủng hoảng.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), hơn 20 trận động đất mạnh đã tấn công khu vực rộng lớn trên bờ biển miền Trung Nhật Bản vào chiều 1/1. Trong số này, trận động đất lớn nhất xảy ra lúc 16h10 chiều (giờ địa phương), có độ sâu chấn tiêu nông, đạt mức 7 cao nhất trên thang cường độ địa chấn của Nhật Bản tại Bán đảo Noto ở tỉnh Ishikawa. JMA đã chính thức đặt tên cho trận động đất này là Trận động đất ở Bán đảo Noto năm 2024. JMA dự báo trong tuần tới, tại miền Trung nước này có thể xảy ra trận động đất có cường độ cực đại.
Sau trận động đất, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập văn phòng ứng phó khẩn cấp tại Văn phòng Thủ tướng ở thủ đô Tokyo. Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến văn phòng lúc 5 giờ 15 phút chiều giờ địa phương để đánh giá thiệt hại và chỉ đạo phản ứng của chính phủ. Ông Kishida kêu gọi người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng sơ tán ngay lập tức và cần cảnh giác đề phòng những trận động đất tiếp theo có thể xảy ra.
Thống đốc tỉnh Ishikawa Hiroshi Hase đã yêu cầu Lực lượng Phòng vệ cử các nhân viên tham gia lực lượng cứu trợ thảm họa.
Theo truyền thông và chính quyền địa phương, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều đưa ra cảnh báo sóng thần tại các khu vực ven biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên. Chính phủ Nga đã ban bố cảnh báo sóng thần ở khu vực ven biển phía Tây Sakhalin, vùng Viễn Đông nước này, sau trận động đất ở Nhật Bản.
Về phần mình, JMA đã phát cảnh báo sóng thần đối với một vùng bờ biển phía Tây rộng lớn, bao gồm các tỉnh Ishikawa, Fukui, Niigata, Toyama, Yamagata và một số tỉnh khác sau các trận động đất mạnh, bao gồm cả cảnh báo sóng thần lớn được ban bố cho tỉnh Ishikawa. Đây là lần đầu tiên cảnh báo sóng thần lớn được ban bố kể từ trận động đất năm 2011 ở Đông Bắc Nhật Bản. JMA và Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương có trụ sở tại Hawaii (Mỹ) cảnh báo sóng thần nguy hiểm có thể cao tới 5 m trong phạm vi 300 km tính từ tâm chấn dọc theo bờ biển Nhật Bản.
Các doanh nghiệp cũng lập tức áp dụng biện pháp đối phó. Hãng hàng không All Nippon Airways thông báo tổng cộng 16 chuyến bay khởi hành và đến các sân bay Shonai, Niigata, Noto và Komatsu trong ngày bị hủy do động đất, ảnh hưởng đến khoảng 1.450 người. Trong khi đó, Japan Airlines cũng hủy tổng cộng 9 chuyến bay khởi hành và đến sân bay Niigata và Komatsu. Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản đã đình chỉ tất cả các dịch vụ tàu cao tốc tuyến Joetsu và Hokuriku tại tỉnh Ishikawa.
Trận động đất đã kéo theo sóng thần. Đài NHK của Nhật Bản cho biết sóng thần cao 1,2 m đã xuất hiện ở vùng biển ngoài khơi thành phố Wajima thuộc tỉnh Ishikawa vào lúc 4 giờ 21 phút chiều cùng ngày. Còn vùng biển thuộc thành phố Toyama ở tỉnh Toyama cũng ghi nhận sóng thần cao 80 cm vào lúc 4 giờ 35 phút.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo một trận sóng thần cao 0,4 m đã xuất hiện gần nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki Kariwa ở tỉnh Niigata của Nhật Bản. Còn trong các video phát trên nền tảng xã hội X sau đó, các nhân chứng đã ghi lại cảnh sóng thần ập vào bờ biển Nhật Bản, bao gồm bờ biển thuộc thành phố duyên hải Joetsu thuộc tỉnh Niigata.
Chánh văn phòng Nội các Hayashi Yoshimasa cho biết ông đã nhận được thông tin rằng có 6 người bị mắc kẹt dưới các tòa nhà bị sập hoặc do các nguyên nhân khác do trận động đất gây ra. Giới chức thành phố Wajima xác nhận có 6 người dân bị vùi lấp trong đống đổ nát do nhà sập sau trận động đất.
Tại thành phố Shijika, tỉnh Niigata, một cụ bà 80 tuổi bị thương ở đầu do ngã trong quá trình sơ tán. Tại tỉnh Fukui, hai phụ nữ đã được đưa đến bệnh viện sau khi bị ngã hoặc bị vật rơi trúng người. Tại tỉnh Ishikawa ghi nhận 2 trường hợp nhồi máu cơ tim ở thành phố Nanao.
Theo hãng tin Kyodo, chính quyền tỉnh Ishikawa xác nhận số người thiệt mạng hiện là ít nhất 4 người. Khoảng 30 người bị thương tại đây và các tỉnh khác.
Ngoài ra, theo hãng tin Kyodo, hơn 51.000 người ở 5 tỉnh miền Trung Nhật Bản đã được yêu cầu sơ tán khẩn cấp sau loạt trận động đất tại đây, trong đó có trận mạnh tới 7,6 độ richter.
Chánh văn phòng Nội các Hayashi Yoshimasa cho biết có 33.000 hộ gia đình đã bị mất điện và dịch vụ liên lạc qua điện thoại di động đã bị gián đoạn ở hai tỉnh Ishikawa và Niigata. Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại máy biến áp ở nhà máy điện hạt nhân Shika, nhưng đã được dập tắt và không ảnh hưởng đến nhà máy. Theo ông Yoshimasa, không có điều bất thường nào được xác nhận tại bất kỳ cơ sở hạt nhân nào.
Ngoài ra, các nhà chức trách Nhật Bản cho biết nhiều con đường và nhà cửa ở tỉnh Ishikawa đã bị hư hại sau trận động đất. Nhiều ngôi nhà ở vùng Noto và thành phố Hakui thuộc tỉnh Ishikawa bị sập. Hỏa hoạn quy mô lớn đã bùng phát tại một số địa điểm trong thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa là tâm chấn của trận động đất. Về phần mình, Đài NHK đã phát một đoạn phim từ thành phố Wajima cho thấy những ngôi nhà bị sập và hư hại cũng như những vết nứt lớn trên đường.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin sau trận động đất mạnh xảy ra ngày 1/1, nước này đã ghi nhận chuỗi 87 dư chấn có độ lớn trên 2,0. Đài truyền hình NHK lưu ý có nguy cơ xảy ra dư chấn mạnh trong khoảng một tuần, đặc biệt là trong 2-3 ngày tới. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã hạ mức cảnh báo sóng thần xuống mức khuyến cáo sau khi xuất hiện những đợt sóng đầu tiên.
Ngay sau khi xảy ra trận động đất có độ lớn 7,6 tại miền Trung Nhật Bản chiều 1/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã thành lập nhóm công tác để xác nhận thông tin liên quan đến an toàn của người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại các địa phương bị ảnh hưởng của động đất. Đến 21 giờ ngày 1/1 (giờ địa phương), Đại sứ quán chưa nhận được báo cáo nào về thương vong của người Việt do động đất. Hiện nhóm công tác đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại, các hội đoàn người Việt tại các địa phương bị động đất để tìm hiểu thông tin về tình hình người Việt tại các khu vực đó, đồng thời sẵn sàng thực hiện công tác bảo hộ công dân cho người Việt trong trường hợp cần thiết.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị