Cần kiểm tra hoạt động tái chế phế liệu gây ô nhiễm tại Hiệp Phước
Cần kiểm tra hoạt động tái chế phế liệu gây ô nhiễm tại Hiệp Phước
Nhiều năm nay, người dân ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh luôn bức xúc trước tình trạng hoạt động tái chế phế liệu của một hộ kinh doanh ở địa phương liên tục xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Mới đây, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được phản ánh của người dân tại khu vực 2/47/11 Phan Văn Bảy, ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh về việc các xưởng phế liệu liên tục xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, các hoạt động sản xuất của người dân xung quanh.
Theo phản ánh của người dân tại ấp 1, Hiệp Phước cho biết: “Người dân chúng tôi đã không ít lần gửi đơn báo cáo đến cơ quan công an và chính quyền để thông báo về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã liên tục từ chối giải quyết vấn đề này.” Ngoài ra, người dân còn cho biết thêm mùi hôi thối từ nguồn ô nhiễm này không chỉ tạo ra sự khó chịu mà còn gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của người dân địa phương.
Từ những phản ánh của người dân, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tìm đến cơ sở này để tìm hiểu, ghi nhận thực tế cho thấy đúng như những gì người dân phản ánh. Cơ sở tái chế phế liệu này nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, phế liệu được tập kết thành những đống cao như núi và hầu hết để lộ thiên. Nước thải trong quá trình tẩy rửa phế liệu không được xử lý mà trực tiếp thải ra ao hồ, kênh mương thông qua hệ thống cống rãnh thoát nước của nhà máy này. Nước thải, nước rỉ rác bị ứ đọng lâu ngày đã phát sinh mùi hôi thối nồng nặc, nước dưới những con mương lúc nào cũng đen ngòm, bọt nổi trắng xoá, trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường nặng nề và những mối nguy về bệnh tật.
Hàng ngày, xe ôtô chở rác ra vào tấp nập chở theo rác thải công nghiệp như giấy, vải vụn, xốp, nilon… rác thải được xe ô tô loại xe phủ kín chở về sau đó phân loại tái chế chở đi các nơi tiêu thụ. Trong xưởng, rác thải bao bì, túi ni lông, chai nhựa, phế liệu chất thành đống trải dài hàng trăm mét.
Theo chuyên gia trong nghành xử lý chất thải: Trong quá trình tẩy rửa, việc sử dụng các hóa chất mạnh như sodium hydroxide, sodium carbonate, phosphates, và các chất hoạt động bề mặt như sodium lauryl sulfate để làm sạch phế liệu có thể mang lại hiệu suất ngay lúc đầu nhưng không xử lý hiệu quả, gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, bởi thông qua quá trình thấm qua đất, chúng xâm nhập vào nguồn nước ngầm.
Từ đó đe dọa nguồn cung cấp nước sạch và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sức khoẻ của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp.
Bên cạnh đó, quá trình tẩy rửa còn gây thiệt hại nặng nề đối với ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Làm mất mát về nguồn thu nhập và là thách thức lớn cho cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Toàn – Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước cho biết: “Toàn bộ khu vực nhà xưởng trên là xây dựng trái phép. UBND đã có công tác kiểm tra và đã xử phạt đối với hành vi xây dựng trái phép nói trên. Ngoài ra, UBND đang lập hồ sơ cho đóng cửa và tháo dỡ toàn bộ khu nhà xưởng. Về vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường, UBND cũng đã lập biên bản và đang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.”
Được biết, đất ở khu vực này là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên bất chấp quy định của pháp luật, hộ kinh doanh nói trên vẫn cố tình xây dựng trái phép các nhà xưởng tái chế, sản xuất phế liệu và gây ảnh hưởng đến môi trường.
Từ thực trạng trên, các cơ quan chức năng huyện Nhà Bè cần quyết liệt vào cuộc kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các chủ xưởng tái chế vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiên quyết không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi chất lượng môi trường.
Khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nguồn thải trong chăn nuôi sẽ được kiểm soát, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Một số hình ảnh ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động của nhà máy này.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị