Yên Bái: Gặp mặt doanh nghiệp định kỳ tháng 12 và tổng kết Chương trình Cà phê doanh nhân năm 2023
(Xây dựng) – Vừa qua, Hội nghị Gặp mặt doanh nhân nghiệp định kỳ tháng 12 và tổng kết Chương trình Cà phê doanh nhân năm 2023 tỉnh Yên Bái được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Đoàn Hữu Phung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái thông tin khái quát về kết quả phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong toàn tỉnh hiện có là 3.180 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 40.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023, có 340 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vố đăng ký trên 3.688 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng đã có 650 doanh nghiệp đang ngừng hoạt động, 41 doanh nghiệp giải thể, 76 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Do bị ảnh hưởng tác động rất lớn của tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo, lạm phát gia tăng, thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Trong nước, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì sự ổn định nhưng tăng trưởng thấp hơn dự báo; chất lượng cơ sở hạ tầng tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế, điển hình là sự cố thiếu hụt điện trong những tháng giữa năm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự sụt giảm thị trường xuất, nhập khẩu một số hàng hóa chủ lực, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tác động tiêu cực của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu là những áp lực, khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các giải pháp với tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cùng với sự cố gắng khắc phục khó khăn của các doang nghiệp và các địa phương, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả nhất định trên từng ngành, từng lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng đứng thứ 7/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, 36/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là cơ sở pháp lý quan trọng, là động lực để tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Đồng chí Trần Thanh Chương – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái trình bày báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2023. |
Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng ước đạt 6,46%, trong đó riêng công nghiệp ước đạt là 4,12%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 16.920 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 8,7% so với năm 2022. Nhiều sản phẩm chính như bộ com-lê, áo jacket, quần áo đồng bộ, ván ép; sản xuất sản phẩm bằng plastic, các sản phẩm bằng đá, bột mài hoặc đá dăm màu tự nhiên, cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại, tủ bằng gỗ… có chỉ số sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 12/2023 tăng cao so với cùng kỳ, thấp nhất là tăng từ 23,1%, tăng cao nhất là tăng 75,81%. Song cũng có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như vỏ bào, dăm gỗ, gỗ lạng, các loại đá lát lề đường, điện sản xuất… giảm từ 21,97% đến 55,25%.
Các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả, khẳng định được chất lượng thương hiệu trên thị trường như Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhựa châu Âu Yên Bái, Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí 83, Công ty Cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái, Công ty Cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty Cổ phần Khoáng sản Yên Bái VPG.
Hoạt động thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu tiếp tục được phục hồi, tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,03%; bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 25.853,9 tỷ đồng, bằng 101,4% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2022.
Năm 2023, ước đón 2.088.000 lượt khách du lịch, bằng 139% kế hoạch, trong đó có 151.026 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 1.721 tỷ.
Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 5,29%; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 325.209 tấn, bằng 102,6% kế hoạch; tổng đàn gia súc chính đạt 835.506 con, bằng 101,8%. Diện tích trồng rừng ước đạt 16.065,4ha, bằng 103,6ha, tỷ lệ rừng che phủ ước đạt 63%. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy ssản ước đạt 14.310 tấn, bằng 100,6%. Năm 2023, ước có 72 sản phẩm OCOP được công nhận.
Đồng chí Nguyễn Trung Lương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phát biểu tham luận tại Hội nghị. |
Về tình hình xuất nhập khẩu, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355 triệu USD, bằng 101,4% kế hoạch, trong đó nhóm hàng nông, lâm sản chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất với 48%, tăng 33% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu ước đạt 130 triệu USD, tăng 40% (tương đương 38 triệu USD) so với năm 2022, chủ yếu là phụ liệu may mặc và máy móc thiết bị dùng trong sản xuất khoáng sản.
Văn hóa xã hội được quan tâm, chăm lo, các chính sách xã hội được bảo đảm; quốc phòng-an ninh chính trị được tăng cường, giữ vững, trật tự – an toàn xã hội được bảo đảm.
Các doanh nghiệp nộp thuế vào ngân sách Nhà nước ước đạt 1.33, tỷ đồng. Đã giải quyết 22.872/19.500 lao động, đạt 117,3% kế hoạch; số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là 48.152 người, trong đó người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 24.595, hiện còn trên 200 doanh nghiệp và 15 hợp tác xã nợ đóng bảo hiểm xã hội với số tiền trên 36 tỷ đồng. Mức thu nhập bình quân người lao động trong khu vực Nhà nước là 7,5 triệu/người/tháng, ngoài Nhà nước 7,3 triệu/người/tháng; doanh ngiệp FDI là 7,7 triệu/người/tháng; giải quyết bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 60,08 tỷ đồng cho 3.831 người.
Chương trình “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp” được đẩy mạnh; tỷ lệ các ngân hàng giải quyết cho các doanh nghiệp vay đạt 99,35%, dư nợ cho vay doanh nghiệp là 17.793 tỷ đồng, tăng 39,52% so với 2022. Tỉnh Yên Bái đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc; đã chấp thuận nghiên cứu, khảo sát cho 10 dự án. Phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, chương trình “Cà phê doanh nhân” được duy trì, kịp thời tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà đầu tư được quan tâm thực hiện.
Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, quy định của Trung ương, của tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, giám sát, quản lý của Nhà nước; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng tránh chồng chéo trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng; đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp.
Đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã trên địa bàn tham dự Hội nghị. |
Bà Bùi Thị Sửu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết, trong những năm qua, một điều rất thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nói riêng là luôn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của các Sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội của tỉnh, của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, trong đó, phải nói đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã luôn đồng hành cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trên mọi lĩnh vực hoạt động.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại địa phương là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp có thể nói là siêu nhỏ nên chưa đủ khả năng hoạch định tầm nhìn, chiến lược kinh doanh lâu dài cho doanh nghiệp. Nhận thức sâu sắc về những vấn đề này, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh về các chủ trương, giải pháp lãnh đạo trong công tác xây dựng, phát triển, đẩy mạnh các hoạt động của Hiệp hội. Chương trình “Cà phê doanh nhân”, “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” có ý nghĩa rất thiết thực và hiệu quả, thông qua đó kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cấp có thẩm quyền xem xét có giải pháp về cơ chế, chính sách, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nguồn: Báo xây dựng