Bảo vệ an toàn thông tin trong thời kỳ công nghệ số phát triển
Chúng ta đang trải qua một giai đoạn không ngừng phát triển của công nghệ số, với những đóng góp từ công nghệ kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, đằng sau những thành tựu đầy ấn tượng này, chúng ta đang phải đối mặt với một loạt nguy cơ lừa đảo thông minh thông qua công nghệ AI, liên kết, và ứng dụng giả mạo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Các loại phần mềm độc hại như mã độc tống tiền, vi rút, và spyware ngày càng phát triển, mang đến những hiểm họa khôn lường. Để bảo vệ bản thân, kiến thức bảo mật và giải pháp bảo vệ toàn diện trở nên càng trở nên quan trọng.
Theo ông Ngô Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng SCS, nhiều người vẫn chưa có đủ hiểu biết và coi thường vấn đề an toàn thông tin, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết khi sử dụng môi trường mạng. Điều này khiến họ trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công và lừa đảo ngày càng phổ biến trên Internet.
Thống kê cho thấy rằng Việt Nam có 78 triệu người sử dụng Internet, chiếm 79% dân số, mỗi người dành gần 7 tiếng mỗi ngày trên mạng. Tuy nhiên, chỉ có 20% người dùng có cơ hội tiếp cận với các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Điều này đặt ra rằng có hơn 62 triệu người dân đang đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công, lừa đảo trên mạng.
Việt Nam đã chú ý và thực hiện nhiều chính sách an toàn, an ninh mạng với mục tiêu bảo vệ người dân. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, hướng tới năm 2030. Chiến lược này tập trung vào việc phát triển năng lực các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn và lành mạnh, tạo niềm tin cho việc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, ông Ngô Tuấn Anh cũng lưu ý rằng việc phổ cập rộng rãi các dịch vụ an toàn an ninh mạng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Cần có giải pháp để nâng cao nhận thức và kỹ năng của người dân khi tham gia môi trường mạng, cũng như đảm bảo rằng các dịch vụ này đơn giản, dễ triển khai, hiệu quả toàn diện và chi phí thấp để mọi người có thể tiếp cận và tin tưởng sử dụng.
Để ngăn chặn những cuộc tấn công mạng trong thời gian này, người dân cần tự trang bị cho mình khả năng bảo mật thông tin bằng những việc làm cụ thể sau đây
Cẩn thận khi đăng tải trên mạng
Kẻ xấu có thể lợi dụng thông tin cá nhân, ảnh, video và các dữ liệu khác mà người dùng đăng tải để trộm cắp danh tính. Do đó người dùng nên điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư trên mạng xã hội, không gắn thẻ (tag) bản thân trong ảnh hoặc video tiết lộ vị trí hoặc thông tin nhạy cảm khác.
Tránh chia sẻ quá nhiều thông tin chi tiết như địa chỉ nhà, ngày sinh, ngôi trường mà con cái học vì tin tặc có thể sử dụng thông tin của bạn để tìm ra mật khẩu hoặc trả lời các câu hỏi bảo mật để đặtlại mật khẩu mới.
Sử dụng VPN
Sử dụng mạng riêng ảo VPN (Virtual Private NetWork) là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ dữ liệu. VPN cho phép người dùng giữ được trạng thái ẩn danh và che giấu địa chỉ IP, đây là tính năng quan trọng đối với những người cần sự riêng tư trực tuyến.
Không nhấp vào đường link lạ
Nếu bạn nhận được đường link đáng ngờ từ bạn bè hoặc người nhà, hãy hỏi thật kỹ trước khi nhấp vào vì có thể tài khoản của họ đã bị hack. Những đường link này có thể chứa mã độc hại hoặc dẫn đến một trang web giả mạo. Ngoài ra, bạn có thể sao chép và dán link vào công cụ kiểm tra đường link uy tín.
Tạo mật khẩu mạnh
Theo khảo sát bảo mật trực tuyến năm 2019 của Google và Harris Poll, 13% người dùng sử dụng cùng một mật khẩu cho tất cả tài khoản cá nhân. Việc này khiến bạn dễ bị đánh cắp dữ liệu nếu thông tin xác thực bị rò rỉ.
Theo Zdnet, sử dụng mật khẩu mạnh là điều quan trọng để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Mật khẩu phải dài ít nhất 12 ký tự, chứa chữ in hoa và chữ thường, số và ký hiệu. Các chuyên gia khuyên rằng người dùng không nên chèn họ tên, số điện thoại vào mật khẩu.
Ngoải ra, người dùng cần tránh sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản. Một số người dùng trình quản lý mật khẩu để tạo và ghi nhớ những mật khẩu phức tạp, nhưng cũng nên cẩn trọng với những ứng dụng này vì chính các trình quản lý mật khẩu cũng có thể trở thành mục tiêu của tin tặc.
Sử dụng email riêng biệt
Sử dụng hai tài khoản email riêng biệt, một cho mục đích sử dụng cá nhân và một cho các dịch vụ và thông tin liên lạc trực tuyến. Sự tách biệt này giúp giảm thiểu rủi ro bị kẻ xấu truy cập trái phép vào địa chỉ email chính chứa thông tin nhạy cảm.
Xác thực đa yếu tố
Xác thực đa yếu tố là kết hợp sử dụng mật khẩu với phương thức khác, có thể là tin nhắn văn bản, ứng dụng hoặc nhận dạng sinh trắc học. Tính năng này bổ sung một lớp bảo vệ quan trọng cho tài khoản người dùng. Các chuyên gia khuyến nghị người dùng sử dụng xác thực đa yếu tố cho các hoạt động cần bảo mật cao như chuyển tiền hoặc thêm thông tin cho thẻ tín dụng. Dù quy trình này tốn thời gian hơn một chút nhưng sẽ cung cấp một mạng lưới an toàn bảo vệ bạn khỏi tin tặc.
Những biện pháp trên có thể giúp người dùng tự bảo vệ mình khỏi những cuộc tấn công mạng ngày càng phổ biến trong thời kỳ công nghệ số hiện nay.
Duy Trinh (t/h)