Xuất khẩu rau quả năm 2023 ghi dấu ấn kỷ lục khi đạt gần 5,6 tỷ USD
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 11 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng áp đảo 65,6% tổng kim ngạch ngành.
Với kết quả đạt được trong 11 tháng năm 2023, cộng với con số ước xuất khẩu của tháng 12/2023, dự kiến, xuất khẩu rau quả thu về gần 5,6 tỷ USD.
Như vậy, kết quả đạt được của năm 2023 đã vượt xa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là năm 2024 sẽ đạt 4,5 tỷ USD, và đến năm 2025 là 5 tỷ USD.
Giá sầu riêng tăng mạnh là một trong những nguyên nhân đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi dấn ấn kỷ lục trong năm 2023 |
Dấu ấn của ngành rau quả trong năm nay phải kể đến sầu riêng khi năm 2023 thu về 2,3 – 2,4 tỷ USD. Từ tháng 7/2022, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã tăng tốc. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 420 triệu USD. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.
Trong năm 2024 tới, với góc nhìn lạc quan, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả.
“Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 15 tỷ USD cho nhập khẩu trái cây. Thị phần của Việt Nam năm nay dự kiến khoảng 25 – 30%, chỉ sau Thái Lan và Chile. Trong tương lai, quy mô thị trường này có thể nhân lên gấp đôi, tương ứng 30 tỷ USD. Do vậy, cơ hội của doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều nếu Trung Quốc mở cửa thêm cho các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, bưởi da xanh… của Việt Nam”, ông Nguyên nhận định.
Tuy nhiên, để cụ thể hóa tham vọng đó đòi hỏi các ngành hàng này cần có những “bước nhảy” quan trọng, nhất là việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, quảng bá thương hiệu.
Lấy ví dụ từ thị trường châu Âu (EU), đây là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU, nguyên nhân một phần được cho là do các doanh nghiệp chưa tuân thủ được các tiêu chuẩn khắt khe của khu vực này. Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, để có thể làm ăn lâu dài, gây dựng thương hiệu tốt, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ luật chơi, đảm bảo chất lượng tốt ở tất cả các thị trường.
Nguồn: Báo lao động thủ đô