Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030

(Xây dựng) – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1737/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030
Đường ven biển thuộc địa phận Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vừa được đầu tư xây dựng.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm diện tích tự nhiên trên đất liền và đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị là 4.701,23km2, gồm 10 huyện, thị xã, thành phố: Phía Bắc giáp huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; Phía Nam giáp huyện Phong Điền và A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế; Phía Đông giáp Biển Đông; Phía Tây giáp tỉnh Savanakhet và Salavan (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).

Phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp – dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkông (GMS). Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đủ 5 loại hình giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không; xây dựng và nâng cấp các tuyến đường kết nối thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện với đường bộ cao tốc Bắc – Nam và các tuyến giao thông quốc gia; 100% hộ dân trên đất liền được sử dụng điện lưới quốc gia; Hoàn thiện và đưa vào vận hành các nhà máy điện khí và các nguồn năng lượng sạch đã được phê duyệt quy hoạch; Hoàn thành xây dựng nền tảng, các mục tiêu của chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số ở cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số – ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm như giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch…

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp – dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2030, phát triển hệ thống đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gồm có 18 đô thị: 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV/III, 03 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V/IV, 9 đô thị loại V và 5 đô thị thành lập mới. Đến năm 2050, phát triển hệ thống đô thị gồm có 19 đô thị: 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 9 đô thị loại IV, 08 đô thị loại V, gồm 6 đô thị hiện hữu, 2 đô thị phát triển mới…

Giải pháp về huy động vốn đầu tư: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các dự án trọng điểm, dự án có tính chất liên kết vùng, tạo động lực phát triển. Thực hiện các chính sách thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức, huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào xây dựng hạ tầng, vào các dự án về năng lượng và các dự án động lực, công trình giao thông trọng điểm, phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa.

Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu tốt, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư ở những quy mô khác nhau. Huy động nguồn lực từ tài chính đất đai để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất là tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để bố trí, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, có hiệu quả; đồng thời, khai thác nguồn lực tài chính từ quỹ đất dôi dư, không có nhu cầu sử dụng để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích