‘Thần dược’ giải rượu giúp uống ngàn chén không say có nên tin dùng?

Trước thông tin Cảnh sát Giao thông phạt nặng người uống rượu, bia lái xe, thị trường lập tức xuất hiện nhiều sản phẩm giải rượu, với công dụng giảm nồng độ cồn thần tốc. Tuy nhiên, trong vô vàn sản phẩm được quảng cáo như “thần dược”, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo để lựa chọn sản phẩm hiệu quả và an toàn.

Theo Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, áp dụng từ ngày 1/1/2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt rất nặng. Với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Việc kiểm tra và phạt nặng lái xe có nồng độ cồn đã tạo ra mảnh đất “màu mỡ” cho các loại quảng cáo sản phẩm giải rượu. Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội cũng như thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và kẹo với công dụng được giới thiệu giải rượu “thần tốc”, “thổi bay nồng độ cồn”… Vậy, sự thật có như lời quảng cáo hay không?

Ghi nhận tại một nhà thuốc lớn trên đường Văn Thân (quận 6, TP.Hồ Chí Minh) đang bán sản phẩm giải rượu dạng nước uống tên “Conditon” của Hàn Quốc, giá 45.000 đồng/chai, với cam kết sau khoảng 30 phút đến 1 tiếng sử dụng sẽ “thổi bay” cồn trong cơ thể. Cũng là nước uống “Conditon” của Hàn Quốc nhưng tại một nhà thuốc khác trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.Hồ Chí Minh) lại có giá bán 55.000 đồng/chai.

Không nên tin tưởng vào các sản phẩm giải rượu bán tràn lan trên thị trường. (Ảnh: Kinh tế&đô thị)

Trong khi đó, tại một nhà thuốc trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), nhân viên nhà thuốc giới thiệu sản phẩm giải rượu dạng viên của Nhật Bản, hộp 30 viên có giá 500.000 đồng (đóng gói tại Việt Nam) và chai si rô nước cũng xuất xứ Nhật, giá 56.000 đồng/chai.

Tương tự, trên các trang mạng xã hội, nhiều sản phẩm giải rượu dạng kẹo, nước uống, viên… cũng được quảng cáo và bán tràn lan với cam kết giúp giải phóng bia, rượu ra khỏi cơ thể sau vài phút sử dụng. Điều này rất đáng lo ngại, vì hầu hết sản phẩm này đều có xuất xứ từ nước ngoài chưa có kiểm chứng thậm chí không có giấy phép lưu hành. 

Tại các sàn thương mại điện tử chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “giải rượu” cho ra hàng trăm kết quả viên uống, thực phẩm chức năng, nước uống giải rượu bia với đủ loại, đủ giá. Hay các siêu thị trưng bày kệ hàng bán nhiều thức uống, viên uống giải rượu bia khác nhau có nguồn gốc: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… được quảng cáo có tác dụng giải rượu nhanh chóng, bảo vệ gan, giảm các triệu chứng khó chịu của rượu bia. Mỗi sản phẩm được rao bán từ 10.000 đồng/viên cho đến vài trăm ngàn đồng/chai nước uống giải rượu kèm theo các khuyến mãi như: mua 2 tặng 1, mua 3 tặng 1…

Thông tin về các sản phẩm giải rượu, bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM Cơ sở 3 cho biết, có ba con đường chuyển hóa rượu ở trong cơ thể người là tại gan, qua tuyến mồ hôi trên da và thông qua hệ hô hấp. Trong đó, khoảng 90% là chuyển hóa thông qua hệ thống men của gan nhờ hai enzym chủ yếu là alcohol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase.

Trong cơ thể con người nếu có hai loại men trên, rượu sẽ được phân hủy nhanh hơn, hệ thần kinh trung ương ít bị ảnh hưởng bởi rượu. Khi uống quá nhiều, quá nhanh vượt khả năng phân hủy của men hay thiếu hụt một phần, hoàn toàn men chuyển hóa sẽ rơi vào tình trạng say rượu. Một người có say hay không phụ thuộc vào nồng độ ethanol trong máu.

Khi nồng độ ethanol trong máu từ 0,05 – 0,1% thì bắt đầu xỉn nhẹ, khi đạt 0,3% sẽ có dáng đi loạng choạng, nói năng không kiểm soát (trạng thái say rượu) và khi đạt trên 0,5% thì nguy cơ cao sẽ tử vong. Khả năng dung nạp ethanol ở mỗi người cũng không giống nhau.

Theo bác sĩ Nhi, thuốc giải rượu thực chất là để tăng cường chức năng hoạt động của hệ thống men gan, từ đó tăng phân hủy rượu, giúp mau tỉnh táo, loại bỏ cảm giác nôn nao kéo dài sau khi uống rượu. Song khả năng của gan có hạn, nó chỉ sản sinh lượng enzyme nhất định mỗi giờ, ứng với lượng cồn nhất định được chuyển hóa, vì vậy nếu uống quá nhiều gan sẽ không kịp sản xuất.

Bác sĩ Nhi cho biết hãy uống rượu đúng cách thay vì đi tìm kiếm thuốc giải rượu để “tăng đô”. Hạn chế uống các loại rượu mạnh, nên lựa chọn các loại rượu trái cây hoặc rượu vang, không nên cố gắng uống quá nhiều. Nếu không thể tránh được rượu bia thì trước khi uống rượu bia cần chú ý ăn thức ăn, tránh để bụng trống khi uống, vì khi đói khả năng hấp thu rượu của đường ruột sẽ nhanh hơn khi có trộn lẫn thức ăn, làm người uống dễ say hơn.

Trước nửa giờ khi đi uống rượu có thể uống một bình sữa nhỏ (sữa tươi nguyên chất là tốt nhất) vừa bảo vệ niêm mạc dạ dày ngăn ngừa tình trạng viêm dạ dày do rượu, vừa có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hủy ethanol. Không nên uống quá nhanh, quá nhiều cùng lúc sẽ làm tăng áp lực cho gan, khiến gan không kịp chuyển hóa rượu.

Không có “thần dược” nào để cho ngàn chén không say, vì vậy để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất không nên dùng rượu bia. Nếu phải uống, chỉ uống trong giới hạn cho phép và có kiểm soát để tránh hệ lụy xảy ra sau khi say xỉn, thậm chí là tai nạn giao thông sau khi uống rượu”, bác sĩ Nhi nhấn mạnh.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích