Hiểm họa cháy nổ, ô nhiễm môi trường từ việc đốt rác
Công an thành phố Hà Nội thông tin, thời gian qua, trên địa bàn Thành phố thường xuất hiện tình trạng đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, nhiều vụ cháy đã lan sang nhà dân khiến lực lượng cứu hỏa phải mất rất nhiều công sức dập lửa.
Việc đầu tiên phải nói đến là tình trạng tập kết phế thải, bãi rác thải tại gần một số công trường xây dựng, bãi đất hoang chưa sử dụng đã phổ biến. Các phế thải, vật liệu, cốp pha chất đống để năm này qua năm khác không dọn dẹp, xử lý. Cùng với đó là những khu nhà “ổ chuột” trở thành điểm tập kết và xả thải lâu ngày, rác chất đống và họ tiêu huỷ bằng cách cho mồi lửa. Do đốt xong không kiểm soát dẫn đến lửa cháy âm ỉ gây cháy lan vào nhà dân.
Vụ cháy bãi phế thải dưới chân cầu Thăng Long, khói bao trùm lên mặt đường khiến các phương tiện bị mất tầm nhìn. (Ảnh Công an thành phố Hà Nội). |
Nạn đốt rác ở ngoại thành diễn ra thường xuyên hơn, thậm chí nhiều địa bàn còn lấy đó là cách xử lý rác thải sinh hoạt tập kết lâu ngày ở góc bãi trống nào đó.
Theo Công an thành phố Hà Nội, nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân tập kết, đốt rác bừa bãi, cùng với đó là chế tài xử lý triệt để chưa có. Hoạt động của những khu tập kết rác thải, phế liệu được diễn ra theo quy trình, sau khi được phân loại, phế liệu dư thừa, không thể sử dụng được, không thể tái chế được thì các cơ sở này thuê lao động tự do gần khu vực thu gom và mang đi đốt.
Đáng lo ngại, trong số rác bị đốt có cả rác thải y tế và linh kiện điện tử, vỏ bình ắc quy, nhựa vụn, dây điện… Loại rác này khi đốt sẽ tạo thành những chất gây tác hại lớn đến môi trường và con người.
Công an thành phố Hà Nội thường xuyên tuyên truyền, đưa ra cảnh báo nguy cơ cháy, nổ từ việc tùy tiện đốt rác của người dân. Theo đó, hiện tượng đốt rác không đúng quy định tạo ra khói bụi, gây ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe và khiến người dân hoang mang. Trường hợp lượng rác đốt lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của người tham gia giao thông. Đám cháy do đốt rác nếu không kiểm soát và xử lý kịp thời, để cháy lan dễ phát sinh thành vụ việc lớn.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình… trong đó, áp dụng với hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng, bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Ngoài ra, việc đốt rác gây hậu quả nghiêm trọng còn bị xử lý hình sự.
Nguồn: Báo lao động thủ đô