Buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới gia tăng dịp cuối năm

Mặc dù các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển và các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nắm tình hình, chủ động phối hợp đấu tranh, ngăn chặn nhiều vụ việc, triệt phá nhiều đường dây, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng có hành vi buôn lậu, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ từ nước ngoài qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2023, tình hình hoạt động buôn lậu, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, quy mô rộng, nhiều đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài tham gia, nhiều vụ việc đã phát hiện, thu giữ số lượng rất lớn tang vật, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Theo thống kê của cơ quan công an, chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000 kg pháo. Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép.

Lợi dụng sự thông thoáng trong giao dịch thương mại điện tử, các đối tượng đã đặt mua nguyên liệu, học cách pha chế thuốc nổ trên mạng để sản xuất pháo nổ tại nhà. Sau đó, để tiêu thụ số pháo nói trên, các đối tượng lập các tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Telegram, hay các trang mạng bán hàng điện tử Shopee, Lazada… để quảng cáo buôn bán pháo. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự.

 Tình trạng vận chuyển pháo lậu qua biên giới gia tăng dịp cuối năm. Ảnh: BA

Đơn cử, ngày 23/12, bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Lạng Sơn và Công an huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành bắt giữ đối tượng Vi Thị Huệ (SN 1985, trú tại thôn Làng Hạ, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng), thu giữ trên xe ô tô của đối tượng này và trong kho chứa có 72 bao tải, được bọc kín bằng túi nilon. Bên trong các bọc chứa 767 giàn pháo hoa nổ. Tổng trọng lượng lên tới hơn 1 tấn pháo. Các loại pháo bị bắt giữ đều có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc.

Tại cơ quan công an, Vi Thị Huệ khai nhận, từ đầu năm 2023, đối tượng đã mua số pháo trên của nhiều người, nhiều lần khác nhau tại khu vực đường biên giới gần Cửa khẩu Na Hình, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn bằng xe khách hoặc xe cá nhân, đem về cất giấu vào kho và dùng các vỏ bao phân đạm để cất giấu pháo rồi đem đi tiêu thụ khi khách yêu cầu mua pháo.

Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Long An, Vĩnh Phúc và Hà Nội khám xét 11 địa điểm, bắt giữ 13 đối tượng, tiến hành truy xét thu giữ khoảng 6 tấn pháo lậu mà nhóm đối tượng này tiến hành nhập lậu từ Trung Quốc và giao cho các đầu mối trên cả nước để tiêu thụ trong dịp Tết năm 2024.

Vụ việc vận chuyển pháo lậu mới đây nhất, vào ngày 28/12, tại xóm Bản Tám, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp với Công an xã Quang Hán, Công an huyện Trùng Khánh bắt quả tang đối tượng T.V.N. (sinh năm 1996, trú tại xóm Lũng Táo, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) đang mang vác 2 bao tải dứa có dấu hiệu khả nghi. Qua kiểm tra, bên trong hai bao tải chứa 36 hộp pháo nổ loại 36 ống phóng. Vụ việc đang được cơ quan Công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia, pháo nổ gây ra rất nhiều những tác hại bởi nguyên liệu để làm pháo là thuốc nổ có thành phần chủ yếu là lưu huỳnh, bột than, muối nitrat (kali nitrat) hoặc kali clorat. Khi đốt pháo, ngoài các tiếng nổ đùng đoàng, tạch tạch, cùng ánh sáng nhiều màu pháo hoa còn có các đám bụi khói. Trong đó lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit là những chất có tính ăn mòn, tính axit và tính oxy hoá – khử rất mạnh. Chính các chất khí này khi hoà tan vào nước mưa sẽ tạo nên các đám mưa axit. Khi đốt quá nhiều pháo nổ mà gặp lúc không có gió, áp suất khí quyển thấp thì không có cách nào làm chobay, tản đi nơi khác sẽ kích thích mạnh đường hô hấp gây ho, viêm phế quản.

Pháo còn có rất nhiều loại trong đó có những loại pháo ép dạng đồ chơi nguy hiểm có chứa hóa chất độc hại. Pháo đồ chơi này có dạng túi nilon nhỏ, bên ngoài có vẽ nhiều hình thù khác nhau, màu sắc hấp dẫn. Bên trong có chứa một loại chất bột màu trắng và 1 túi nhỏ hơn chứa chất lỏng màu hồng. Sau khi có tác động ngoại lực sẽ phát tiếng nổ làm cả 2 túi chất lỏng bị vỡ và gây mùi hôi khó chịu. Không ít trẻ em khi mua loại pháo đồ chơi này về dẫm bẹp, phát tiếng nổ đã bị dị ứng với hóa chất nói trên và mẩn ngứa khắp người.

Cũng chính vì những tác hại này mà việc sản xuất, quản lý và sử dụng pháo ở nước ta đã bị hạn chế rất nhiều. Hiện nay, căn cứ theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì ngoài pháo hoa được sử dụng trong một số trường hợp thì những loại pháo nổ, thuốc pháo khác người dân không được sử dụng.

Trước thực trạng vận chuyển buôn bán pháo lậu, nhằm thực hiện Công văn số 235/VPTT-TH ngày 12/12/2023 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tiếp tục tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển, mới đây, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 406/TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo; Công văn số 02/BCĐ389-VPTT ngày 28/01/2019 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển; Công văn số 235/VPTT-TH ngày 12/12/2023 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tiếp tục tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, đặc biệt là các phương tiện chở hàng hoá xuất nhập khẩu, chở hành khách xuất nhập cảnh có khả năng gia cố thêm thùng, hầm hàng, vách ngăn để chứa pháo nổ, đặc biệt tuyến đường bộ tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, Bình Phước, Long An…

Không ngừng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực, địa điểm nóng tiềm ẩn rủi ro về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới thuộc địa bàn hoạt động hải quan; Chủ động xác định các đối tượng nghi vấn, đối tượng trọng điểm; Thường xuyên rà soát, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro, nghiên cứu các phương thức, thủ đoạn mới các đối tượng có thể lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu để vận chuyển trái phép pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ… từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả các lỗ hàng nhập khẩu được hệ thống phân luồng xanh, luồng vàng.

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong và ngoài Ngành ở Trung ương, ở địa phương như lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường để kịp thời phát hiện đấu tranh, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ.

Tếp tục công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, người dân khu vực biên giới, cửa khẩu, hành khách xuất nhập cảnh, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn về tác hại của hành vi mua, bán, vận chuyển trái phép pháo nổ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

 An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích