Cẩn thận với mỹ phẩm trên “chợ mạng”!
Dạo qua một số nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram… cùng một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok, chỉ cần người tiêu dùng gõ cụm từ tìm kiếm “mỹ phẩm”, lập tức nhận được hàng loạt địa chỉ kinh doanh, sản phẩm mỹ phẩm đa chủng loại.
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của “hot girl” Nguyễn Hoàng Mai Ly tại quận Hà Đông. |
Điều đáng nói, bên cạnh các hàng hóa, mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thì trên các trang mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử, nhiều đối tượng bán hàng ngang nhiên chào bán các sản phẩm mỹ phẩm giả thương hiệu nổi tiếng với giá vô cùng rẻ. Theo đó, cùng một loại mỹ phẩm nhưng giá tiền có sự chênh lệch lớn từ vài trăm đến vài triệu đồng/sản phẩm. Trong khi đó, sản phẩm được sản xuất ở đâu, chất lượng như thế nào và ai kiểm soát, ai chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm… người tiêu dùng dường như không quan tâm.
Cụ thể, ngày 26/12 vừa qua, lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã kiểm tra cơ sở sản xuất N.V.T (thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) và phát hiện rất nhiều sản phẩm thành phẩm và bán thành phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, cùng máy móc thiết bị phục vụ cho việc sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Trong đó, nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Blackmores, mặt nạ Yujin hay dung dịch vệ sinh Femfresh… Hiện trường nằm trên diện tích khoảng 1.400m2 là trang trại nuôi gà trước đây, nhưng tại thời điểm kiểm tra, địa điểm trên được sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều nhãn hàng nổi tiếng, được ưa chuộng trên thị trường.
Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn sản phẩm là mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da và thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài. Trong số đó có 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Australia, 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Korea, 16.362 chai dung dịch vệ sinh femfresh có dấu hiệu bị làm giả. Ngoài ra còn có các sản phẩm khác như Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol… cũng đang được cơ sở này san chiết, đóng sản phẩm vào các chai, lọ.
Thời điểm kiểm tra, đại diện nhãn hiệu Blackmores bước đầu nhận định, sản phẩm Blackmores Evening Primrose Oil tại cơ sở sản xuất mà lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra có dấu hiệu làm giả.
Không chỉ ngang nhiên hoạt động sản xuất mỹ phẩm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng, nhiều đối tượng kinh doanh còn lợi dụng sự lỏng lẻo trong kiểm soát của các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để livestream quảng cáo bán hàng. Thậm chí, nhiều đối tượng còn mời các nhân vật có tiếng, các KOLs trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Khi có khách mua, hàng được chuyển qua các đơn vị dịch vụ bưu chính viễn thông nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Đơn cử như ngày 25/12, Tổng cục QLTT phối hợp cùng với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia bất ngờ kiểm tra kho hàng của “hot girl” Nguyễn Hoàng Mai Ly tại Khu đô thị Đô Nghĩa (Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) và phát hiện nhiều sản phẩm là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thời điểm kiểm tra, trên 50 nhân viên có mặt ở các tầng đang thực hiện đóng gói, dán đơn lên các sản phẩm vừa được chốt đơn trong phiên livestream trước đó. Các đơn hàng được đóng gói chất thành đống nằm la liệt, ngổn ngang trên các mặt sàn. Hàng hóa tại đây đa phần là sản phẩm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada…
Một lượng lớn hàng hóa vừa được vận chuyển về kho, còn nguyên đai nguyên kiện thì bị lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra. Phần lớn sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Tổng cục QLTT, trong phiên livestream ngày 23/12, tài khoản Mailystyle.com đã thực hiện phiên livestream kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm. Tham dự cùng phiên livestream này còn có sự xuất hiện của một số Tiktoker sở hữu hàng trăm nghìn lượt follow như Pew Pew, Hứa Phương Ngân… cùng tham gia giới thiệu, bán sản phẩm.
Lực lượng QLTT thị trường cho biết, đây là một trong những vụ việc nổi bật về việc kiểm tra kho hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử mà lực lượng QLTT phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện kể từ khi Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến hành vi sản xuất, kinh doanh làm giả hóa mỹ phẩm, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng, Tổng cục QLTT cho biết, nguyên nhân là do số lượng tiêu dùng lớn, tỷ lệ người mua hàng đa số là chị em phụ nữ có nhu cầu chăm sóc, làm đẹp. Vì thế, người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái bởi, hiện nay các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm. Vì thế, khi mua các sản phẩm này người tiêu dùng nên tìm đến các cửa hiệu, cửa hàng uy tín đã được cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội.
Đỗ Đạt
Nguồn: Báo lao động thủ đô