Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong phát triển đô thị

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong phát triển đô thị

Vài năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong tỉnh, Yên Bái đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Diện mạo từ thành thị đến nông thôn ngày càng khang trang; hạ tầng cơ sở, các thiết chế văn hóa không ngừng được đầu tư đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị ngày một tăng.

tm-img-alt
Một công trình san gạt mặt bằng ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái không tuân thủ các quy trình, quy phạm, gây ô nhiễm môi trường.

Không riêng gì thành phố Yên Bái mà tình trạng ONMT trong xây dựng, phát triển đô thị diễn ra ở hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn và cả vùng nông thôn. ONMT trong xây dựng, phát triển đô thị có rất nhiều nguyên nhân, do con người, do công nghiệp, do chất thải độc hại… Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề gây ONMT từ san gạt lấn chiếm ao, hồ, lòng suối, đánh đất ta luy âm, dương tại các công trình đầu tư nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân… trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Chúng ta đã biết, việc đô thị hóa, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị là một nhu cầu và là xu thế khách quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gây những tác động không nhỏ đến ONMT không đáng có nếu như chúng ta ý thức hơn, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình thực hiện và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, chắc chắn sẽ giảm thiểu tối đa.

Theo quan sát, trong vòng hơn một tháng nay tại đầu cầu Bách Lẫm trên địa bàn phường Yên Ninh, việc san gạt mặt bằng triển khai thực hiện dự án là một việc làm bình thường và doanh nghiệp đầu tư, đơn vị thi công đã được cấp thẩm quyền cấp phép. Quy trình cấp phép của các cấp đầy đủ quy trình, thủ tục đầu tư từ đơn đề nghị cấp phép xây dựng, giấy chứng minh quyền sử dụng đất, bản vẽ thiết kế xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường… Trong san gạt, đánh bạt đồi núi có phương án, biện pháp, giải pháp thi công, vận chuyển đất, đá hồ sơ đảm bảo các điều kiện quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, việc vận chuyển đất, đá từ chân công trình đến nơi tập kết còn nhiều bất cập, khiến ngày nắng thì bụi mù, ngày mưa thì trơn trượt, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và gây ONMT. Trong quá trình xe vận chuyển đều có phủ bạt, nhưng dường như chỉ là hình thức, xe chạy là đất đá vương vãi ra đường, bụi mù mịt. Hay như trên trục đường Bảo Lương, thuộc phường Yên Ninh các đơn vị đang tiến hành thi công các hạng mục giao thông cũng xảy ra tình trạng tương tự, đất đá vương vãi trong quá trình vận chuyển từ trong công trường ra đường và cả quãng đường đến nơi tập kết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia giao thông và cả những hộ dân sinh sống gần công trình.

Ông Vũ Đăng Hòa ở phường Yên Ninh bày tỏ: “Việc thi công các công trình, nhất là hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi xã hội là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương, người dân chúng tôi rất ủng hộ, kể cả có đất đai nằm trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng chúng tôi sẵn sàng phối hợp thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, các doanh nghiệp, đơn vị cần thực hiện nghiêm các quy định, quy trình, giảm thiểu tối đa gây ONMT”.

Đó chỉ là một trong hàng chục điểm thi công triển khai xây dựng các hạng mục công trình trên địa bàn. Nguyên nhân dẫn tới những tình trạng trên, đầu tiên là ý thức và sự thờ ơ của mỗi người dân, các cơ quan, ban, ngành chức năng trong quá trình thực hiện, triển khai lẫn giám sát, phản biện. Việc phá hoại môi trường của một người dù rất nhỏ, nhưng nếu nhiều người cộng lại thì nó trở thành vấn đề lớn. Một nguyên nhân chính gây ONMT trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển đô thị, đó chính là sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thi công do đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nên dù biết là vi phạm quy trình khai thác, thi công, vi phạm các quy định nhưng vẫn triển khai thực hiện và chỉ dừng lại hay khắc phục hậu quả khi các ngành chức năng vào cuộc.

Để hạn chế và giảm thiểu tối đa ONMT, trước hết, mỗi người dân chúng ta cần có ý thức hơn, trách nhiệm hơn với môi trường như đổ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi. Các doanh nghiệp, đơn vị thi công triển khai thực hiện dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Trong thi công triển khai thực hiện theo đúng cam kết, thiết kế và có phương án bảo vệ môi trường. Các xe vận chuyển nguyên vật liệu ra vào công trường đều phải phụt rửa đảm bảo theo quy định trước khi lưu thông trên đường. Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đơn vị nào vi phạm phải xử lý triệt để, tránh tình trạng “phạt cho tồn tại”.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; trong đó, những chế tài xử phạt phải thực sự đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm. Quan trong hơn cả là ý thức, trách nhiệm công dân của mỗi người về bảo vệ môi trường, cùng xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích