Hà Nội kiểm soát chặt chất lượng và truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn tại chợ dân sinh

Chợ truyền thống là nơi cung cấp nguồn thực phẩm thường xuyên cho hầu hết người dân. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, cơ sở hạ tầng kém, ý thức của tiểu thương chưa cao nên tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường.

Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có 453 chợ, trong đó 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,31%), 58 chợ hạng 2 (chiếm 12,8%), 348 chợ hạng 3 (chiếm 76,82%). Trong tổng số 453 chợ, có 89 chợ kiên cố (chiếm 19,64%), 248 chợ bán kiên cố (chiếm 54,74%), 116 chợ lều lán tạm (chiếm 25,62%). Có 2 chợ đầu mối; 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán…).

Chợ truyền thống chủ yếu kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, rau, quả… thời gian qua, chợ truyền thống vẫn chủ yếu phát triển tự phát, cơ sở hạ tầng kém do đó tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường.

 Việc kiểm soát chặt chất lượng, truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào thành phố là việc làm cần thiết và quan trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa

Dạo quanh một vòng các chợ truyền thống như: Phùng Khoang, Thành Công, Cầu Giấy, Hợp Nhất… có thể thấy, việc sắp xếp các gian hàng của các tiểu thương khá lộn xộn. Có quầy để đồ chín lẫn đồ sống, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn mác. Các cửa hàng bán rau, củ, quả không có kệ, tủ kính, tiểu thương bày hàng xuống dưới đất lót bằng tấm ni lông hoặc tấm bìa… gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tình trạng này còn đáng ngại hơn tại các chợ cóc, chợ dân sinh khi mà đồ tươi sống, đồ chín cứ xen kẽ do người bán tự phát.

Giới chuyên gia nhận định, phần lớn các chợ dân sinh, chợ cóc, đặc biệt chợ ở nông thôn phục vụ nhu cầu tự sản, tự tiêu của người dân; có chợ họp tại sân đình của làng nên cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; không gian chật hẹp, các trang thiết bị, dụng cụ, giá kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định và cũng chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024.

Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm, đảm bảo tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân. Qua đó, nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành.

Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – nhận định, hiện tại TP Hà Nội có 425 chợ cung cấp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó hơn 19.300 hộ thuộc phạm vi đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”.

Đến nay, 1.606 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ tại 9 quận/huyện đã được cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, quận Hai Bà Trưng có 186 biển, là một trong những quận có số cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp biển nhiều nhất tại TP Hà Nội, do UBND quận đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tích cực triển khai thực hiện đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ tại TP Hà Nội.

Theo đó, mục tiêu mà kế hoạch đặt ra là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Nâng cao kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Qua đó, kịp thời cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn vào Hà Nội.

Đề cập tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, TS.BS Cao Văn Trung – Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, an ninh, an toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng…

Theo ông Trung, để đảm bảo hoạt động quản lý an toàn thực phẩm thực sự hiệu quả, cần quán triệt triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đồng thời, ông Trung cũng nhấn mạnh cần sớm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế như kinh doanh online, văn phòng ảo, quảng cáo xuyên biên giới. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân là trên hết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật như Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích