Quảng Bình: Thu giữ lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Quảng Bình đón dừng để kiểm tra đối với phương tiện là xe ô tô tải biển kiểm soát 89C-064.49 do ông Phạm Văn Quỳnh có địa chỉ tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam điều khiển.
Kết quả khám phương tiện phát hiện 1.980 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm gồm thuốc uốn tóc và thuốc nhuộm tóc các loại do nước ngoài sản xuất, 88 đơn vị sản phẩm phụ kiện máy tính các loại do Trung Quốc và nước ngoài sản xuất; 80 vợt cầu lông do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra, là hàng hóa nhập lậu theo quy định của pháp luật.
Đội Quản lý thị trường số 3 đã thiết lập hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định, trị giá hàng hóa vi phạm tạm giữ ước tính hơn 90 triệu đồng.
Dự báo từ nay đến cuối năm là thời gian hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra hết sức sôi động do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, mỹ phẩm, đồ điện tử, đồ gia dụng; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Do đó, các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường Quảng Bình nói chung và Đội Quản lý thị trường số 3 nói riêng sẽ tăng cường triển khai thực hiện Kế hoạch số 1239/KH-QLTTQB ngày 14/11/2023 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo sự chuyển biến mạnh trong phòng ngừa vi phạm gây bất ổn cho thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc có thể gây nhiều rủi ro đến sức khỏe của người tiêu dùng, các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua.
Hậu quả, nhiều người sau khi sử dụng bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da lại càng bị sạm nặng hơn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh lý do dùng mỹ phẩm giả. Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.
Về nhãn mác bao bì, theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, sản xuất mỹ phẩm trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu trên bao bì phải có tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cụ thể như: số lô, số công bố, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, định lượng.
Bảo Linh (t/h)