Bỉ xây dựng “tuyến đường nước cao tốc” giúp các đô thị đối phó với khô hạn
Tuyến đường nước cao tốc này nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung cấp nước cho những đô thị nằm ở các tỉnh Liège, Namur và Luxembourg, những khu vực đôi khi gặp phải vấn đề về nguồn cung cấp.
Vùng Wallonia đang xây dựng “tuyến đường nước cao tốc” đưa nước đến các đô thị. (ẢNh: The Times) |
Vùng Wallonia – khu vực nói tiếng Pháp – của Bỉ đang triển khai xây dựng “tuyến đường nước cao tốc” nhằm vận chuyển nước từ những con đập tới các công trình chứa nước tại các đô thị trong vùng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, dự án bao gồm 100km đường ống được lắp đặt từ trạm Grace-Hollogne (tỉnh Liège) vượt qua con sông Meuse ở khu vực Ardennes, đường hầm Hesbaye đến Wellin (thuộc tỉnh Luxembourg), chạy dọc tuyến đường cao tốc nối tỉnh Liège với Namur.
Con đường này sẽ kết nối với các tháp nước đô thị mà nó đi qua.
Bên cạnh các đường ống, Công ty cung cấp nước Wallonia (SWDE) còn lắp đặt cáp quang để điều khiển các hệ thống van và giám sát từ xa.
Theo ông Benoît Moulin, người phát ngôn của SWDE, hệ thống sẽ báo cáo dữ liệu được thu thập bởi các cảm biến áp suất, dòng chảy và chất lượng nước như pH, độ đục, nồng độ clo…
Tuyến đường nước cao tốc này nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung cấp nước cho những đô thị nằm ở các tỉnh Liège, Namur và Luxembourg, những nơi đôi khi gặp phải vấn đề về nguồn cung cấp.
Mặc dù tài nguyên nước ở Vùng Wallonia rất dồi dào, song trên thực tế, nguồn tài nguyên này được phân bổ kém do bối cảnh địa chất khác nhau.
Ông Moulin giải thích không giống như lớp đất nền đá vôi xốp ở Hesbaye, đá phiến Ardennes không phải là tầng chứa nước tốt.
Vào mùa Hè, khi xảy ra những đợt hạn hán, lượng nước sẽ giảm dần do nhu cầu tiêu thụ có xu hướng tăng theo sự tăng trưởng về số lượng dân cư và hoạt động kinh tế, cũng như lượng du khách đông tại một số thành phố.
Hậu quả là trong những mùa Hè gần đây, các đô thị như Beauraing, Vielsalm, Houffalize đôi khi bị “khô hạn” và phải được cung cấp nước sạch bằng xe bồn.
Đến nay, “tuyến đường nước cao tốc” là dự án tham vọng nhất của Kế hoạch Tài nguyên Nước Khu vực (SRRE) được chính quyền Vùng Wallonia thông qua hồi năm 2015.
Ý tưởng của kế hoạch này là kết nối các mạng lưới phân phối lớn và lấy nước ở những nơi dồi dào, để có thể mang lại cho các thành phố một nguồn cung cấp thay thế trong trường hợp vì một lý do cụ thể nào đó như sự cố, hạn hán, vấn đề chất lượng nước… dẫn đến tình trạng thiếu nước.
Nguồn cung thay thế phải có khả năng cung cấp thêm lượng nước cao hơn 30% so với mức tiêu thụ thông thường của đô thị.
Trong năm 2020, phiên bản mới của SRRE đã được thông qua, nhằm mục tiêu tích hợp các tác động của biến đổi khí hậu vào dài hạn.
Dự án không chỉ bảo vệ tình trạng hiện tại, mà còn chuẩn bị cho Wallonia đối phó với chiều hướng gia tăng các đợt hạn hán bằng cách áp dụng giải pháp quản lý bền vững hơn đối với tài nguyên nước.
Về phía cung, Vùng Wallonia đang cân nhắc sử dụng nhiều nước tuần hoàn hơn và cung cấp các nguồn tài nguyên thay thế, chẳng hạn như nước cho nông dân, ngành công nghiệp, khu sinh thái, nhà máy xử lý nước thải, mỏ đá, nước mưa, nước mặt…
Về phía cầu, “SRRE 2.0” cung cấp khả năng triển khai các mô hình đánh giá nhu cầu trong tương lai của nông nghiệp, công nghiệp và dân số, từ đó có thể dự đoán tốt hơn những cuộc khủng hoảng trong tương lai, đồng thời cũng nhằm mục đích thiết lập khung pháp lý cho phép ưu tiên sử dụng nước trong trường hợp xảy ra tình trạng căng thẳng nghiêm trọng về nguồn tài nguyên này.
Bên cạnh dự án đường nước cao tốc liên kết Grace-Hollogne-Wellin, 11 dự án kết nối khác nhằm phân phối tài nguyên nước tốt hơn ở Wallonia cũng nằm trong phạm vi kế hoạch của SRRE.
5 trong số đó đã được hoàn thành, trong đó, thị trấn Beauraing đã được hưởng lợi từ giải pháp cung cấp thay thế, sau khi lắp đặt đường ống vận chuyển nước từ mỏ đá Florennes và đập Ry de Rome.
Vì nằm trên tuyến đường nước cao tốc Grace-Hollogne-Wellin nên khu vực này sẽ sớm được hưởng lợi từ dự án.
Ngoài ra, các dự án khác đang được thực hiện với tổng cộng 400 km đường ống và sẽ tiêu tốn khoảng 458 triệu euro, trong đó, 450 triệu euro lấy từ 2 khoản vay toàn cầu do Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) cấp cho SWDE, và khoản trợ cấp khu vực trị giá 40 triệu euro.
Tuyến đường nước cao tốc dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.
Nguồn: Báo xây dựng