Thái Bình: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2023 tăng 2,2%
(Xây dựng) – Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Thái Bình, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2023, đạt 29.787 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2022, đạt kế hoạch đề ra.
Ông Lại Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội nghị. |
Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai và xây dựng phương án tăng trưởng cho từng lĩnh vực, tăng cường bám sát cơ sở, kịp thời điều chỉnh, triển khai các biện pháp, giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Kết quả, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Thái Bình, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2023, đạt 29.787 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2022, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó: Giá trị sản xuất trồng trọt đạt 12.254 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm 2022; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 10.426 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2022; giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 5.938 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2022; giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 17,9 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm 2022. Năm 2023, có 11 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, 1 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP (48 sản phẩm đạt 4 sao và 90 sản phẩm xếp hạng 3 sao); dự kiến trong thời gian tới có 40 sản phẩm OCOP được công nhận.
Tại hội nghị, ngành nông nghiệp phát động và tổ chức ký giao ước thi đua năm 2024. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 2,1% đến 2,2% so với năm 2023; năng suất lúa đạt trên 13 tấn/ha/năm; sản lượng lương thực ước đạt khoảng trên 1.036 nghìn tấn. Số xã đạt tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao trong năm đạt 10 xã trở lên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lại Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đánh giá cao kết quả ngành Nông nghiệp đạt được trong bối cảnh năm 2023 còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2024 bảo đảm trong khung thời vụ, tiết kiệm nguồn nước, tiết giảm chi phí.
Để khẳng đình ngành Nông nghiệp đóng vai trò chiến lược đối với phát triển kinh tế xã hội; đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Ông Lại Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị ngành Nông nghiệp tập trung tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND; kế hoạch, đề án của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, trong đó tập trung xây dựng, cấp mã số vùng trồng cho vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của các xã; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái đàn gia súc, gia cầm và tái cơ cấu giống vật nuôi, rà soát và điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp với yêu cầu thị trường. Phát triển sản xuất thủy sản theo hướng tăng trưởng cao, bền vững, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu lại hệ thống cảng cá và các khu neo đậu, đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và các biện pháp bảo vệ ngư trường tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi, đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo dõi, thu thập tình hình, bổ sung lý lịch công trình; kiểm tra, phát hiện hư hỏng của công trình đê điều để chủ động tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo xây dựng phương án tu bổ, củng cố và hộ đê kịp thời, hiệu quả. Đôn đốc các đơn vị liên quan lập kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn hệ thống cấp nước nông thôn giai đoạn 2021 – 2025. Tập trung thực hiện các mục tiêu chương trình xây dựng Nông thôn mới năm 2024 và giai đoạn đến năm 2025, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí của các xã đăng ký Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn: Báo xây dựng