Vàng sẽ hạ nhiệt, nếu bỏ độc quyền?
Từ giữa tháng 12, giá vàng liên tục gây bất ngờ khi xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Đáng nói là khi giá vàng thế giới tăng thì giá trong nước lập tức tăng theo. Nhưng khi giá thế giới giảm hoặc đứng im thì giá vàng SJC vẫn không ngừng “nhảy múa”.
Điều này khiến giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 18 đến 20 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa giá mua và bán cũng rất cao, có thời điểm lên tới 1,8 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro về phía người dân.
Ảnh minh họa. |
Có một thực tế là giá vàng SJC tăng giảm không theo giá thế giới mà theo cung cầu trong nước. Thị trường vàng thời gian qua đang trong tình cảnh có cầu nhưng nguồn cung yếu nên giá diễn biến bất thường như vậy.
Một số ý kiến cho rằng, vàng SJC là thương hiệu quốc gia và hiện chỉ lưu thông trong nước. Nhiều năm nay Nhà nước không sản xuất thêm vàng. Công ty SJC không được dập thêm vàng nếu không có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó người dân không muốn bán nên các doanh nghiệp phải đưa ra giá cao để khuyến khích người bán.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ các quy định quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, trong khi Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu nhưng nhiều năm nay lại không nhập khẩu vàng. Thiếu nguồn cung, một số doanh nghiệp phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC càng khan hiếm.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, để ổn định thị trường thì Nghị định 24 không còn phù hợp và cần thay đổi để cả người dân, doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế cùng hưởng lợi.
Không thể phủ nhận tác động hiệu quả từ Nghị định 24 giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu chống “đô la hóa, vàng hóa”, thị trường tự điều tiết được cung – cầu. Đặc biệt, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế được ngăn chặn, vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán…tuy nhiên, khi thị trường đã bình ổn thì cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.
Việc Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện chức năng sản xuất và kinh doanh vàng, vừa thực hiện chức năng bình ổn thị trường vàng dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu và vai trò quản lý Nhà nước. Hơn nữa, việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau.
Ngân hàng Nhà nước chỉ nên thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự vào việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nguồn: Báo lao động thủ đô