Xét xử vụ án ‘Lạm quyền khi thi hành công vụ’ xảy ra tại Saigon Co.op

Bị cáo Diệp Dũng tại phiên tòa. 
Bị cáo Diệp Dũng tại phiên tòa. 

Cùng hầu tòa về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” là 4 bị cáo: Nguyễn Thành Nhân (nguyên Tổng Giám đốc Saigon Co.op), Hồ Mỹ Hòa (nguyên Giám đốc tài chính Saigon Co.op), Võ Thành Trung (Tổng Giám đốc Công ty Đô Thị Mới), Tôn Thất Hào (Giám đốc Công ty Đại Á).

Bốn bị cáo còn lại là Trần Trung Liệt (nguyên Kế toán trưởng Saigon Co.op), Hàng Thanh Dân (nguyên trưởng Ban kiểm soát Saigon Co.op), Phạm Thị Minh Ngọc (nguyên Phó trưởng Ban kiểm soát Saigon Co.op), Nguyễn Thị Thùy Trang (thành viên Ban kiểm soát Saigon Co.op) hầu tòa về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại phiên tòa sáng nay, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố cáo trạng. Theo đó, năm 2016, Saigon Co.op đề xuất dự án mua lại chuỗi Big C Việt Nam và được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương. Để triển khai, ngày 4/3/2016, ông Diệp Dũng ký công văn kêu gọi huy động vốn cho dự án này. Ngày 10/3/2016, Saigon Co.op nhận được 3.000 tỷ đồng từ các cá nhân, công ty góp vốn để đặt cọc cho thương vụ mua lại Big C. Cuối tháng 5/2016, Saigon Co.op tham gia đấu giá mua lại Big C nhưng không thành công.

Đến khoảng tháng 7/2016, bị cáo Diệp Dũng đã chỉ đạo bị cáo Hồ Mỹ Hòa thực hiện thủ tục lấy 1.000 tỷ đồng từ tài khoản huy động vốn để thực hiện việc hợp tác đầu tư. Ngày 19/8/2016, bị cáo Diệp Dũng đã không thông qua Hội đồng quản trị tự ý ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/2016/HĐHTĐT với Công ty Đại Á số tiền 300 tỷ đồng và Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02/2016/HÐHTÐT với Công ty Đô Thị Mới số tiền 700 tỷ đồng với lợi nhuận cố định là 7%/năm. 

Theo nội dung hợp đồng hợp tác đầu tư bị cáo Diệp Dũng ký thì Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định trên số tiền hợp tác là 7%/năm; thời hạn hợp đồng là 3 tháng và được thanh toán (gốc + lãi) một lần vào cuối kỳ hợp tác. Sau đó, bị cáo Diệp Dũng, đại diện hai công ty trên tiếp tục ký 4 phụ lục hợp đồng để gia hạn thời hạn hợp đồng và giữ nguyên mức lợi nhuận cố định là 7%/năm.

Đến tháng 3/2018, bị cáo Diệp Dũng đã ký thỏa thuận bổ sung ngày 24/3/2018 với hai công ty trên để điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận 7%/năm thành 0%/năm kể từ ngày 19/8/2016 với lý do hợp tác đầu tư không có lợi nhuận.

Hành vi của ông Diệp Dũng và các đồng phạm là nguyên nhân dẫn đến việc Saigon Co.op không nhận được số tiền lãi. Việc tự điều chỉnh lợi nhuận cố định này đã dẫn thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115,6 tỷ đồng, được cáo trạng xác định là thiệt hại trong vụ án.

Phiên tòa dự kiến xét xử tới ngày 29/12.

Trước đó, cuối năm 2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên y án sơ thẩm 2 năm tù đối với Diệp Dũng về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Cụ thể, trong quá trình Cơ quan điều tra làm việc với ông Diệp Dũng về nội dung sai phạm tại Saigon Co.op, ông Dũng thừa nhận có người báo tin cho ông về quá trình kiểm tra, xác minh. 

Từ đây, Công an làm việc với Nguyễn Hoài Bắc (cựu cán bộ Công an Thành phố) và xác định được ông Bắc là người làm lộ nội dung thông tin điều tra cho bà Lê Thị Phương Hồng (kinh doanh tạp hóa, chung sống như vợ chồng với ông Bắc từ năm 2017). Bà Hồng đã nhắn thông tin cho ông Dũng. Ông Bắc sau đó bị Tòa xử 5 năm tù, bà Hồng 6 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích