Ngành lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm 2023

Ngành lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm 2023

Chiều 27/1, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Lâm nghiệp năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị tổng kết ngành Lâm nghiệp năm 2023

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị chủ trì hội nghị.

Năm 2023, ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi của thời tiết, khí hậu; xung đột tại một số quốc gia đã làm ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ nói riêng và các mặt hàng nông lâm thủy sản nói chung.

Mặc dù vậy, ngành lâm nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành NN&PTNT, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, kết quả nổi bật của ngành Lâm nghiệp trong năm 2023 là thực hiện đúng tiến độ xây dựng các Nghị định, Thông tư, các chương trình, đề án, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách về lâm nghiệp.

Theo đó, năm 2023, lĩnh vực lâm nghiệp được giao xây dựng 9 văn bản QPPL, đến nay Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm đã hoàn thành 100% theo đúng tiến độ được giao.

Đáng chú ý trong công tác chỉ đạo điều hành, Cục Lâm nghiệp đã kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (CMĐSDR), việc kiểm soát chặt chẽ CMĐSDR đã góp phần giữ vững và ổn định diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng, nhất là rừng tự nhiên.

Đến nay, tổng số chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững trong cả nước đạt 70% về số lượng chủ rừng và 80% về diện tích. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 465.000 ha, đạt 93,0% mục tiêu của giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, năm 2023, đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các-bon cho Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Cụ thể: ngày 3/10/2023, Quỹ BVPTR Việt Nam đã thực hiện tạm ứng tương đương hơn 962 tỷ đồng giai đoạn 2023 – 2025 cho Quỹ BVPTR 06 tỉnh Bắc Trung Bộ: Tỉnh Thanh Hóa hơn 162,5 tỷ đồng; Tỉnh Nghệ An hơn 282,5 tỷ đồng; Tỉnh Hà Tĩnh: gần 123 tỷ đồng; Tỉnh Quảng Bình gần 235,7 tỷ đồng; Tỉnh Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng; Tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 107 tỷ đồng.

Cùng theo lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, Quỹ BVPTR đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ngay từ đầu năm; Tham mưu ban hành văn bản đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR nộp đúng, nộp đủ tiền DVMTR. Phấn đấu cả nước thu và tổ chức giải ngân kịp thời đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định hiện hành của nhà nước.

Thực hiện theo quy định tại Nghị định 107/2022/NĐ-CP, nguồn thu từ ERPA (Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ) là nguồn thu từ DVMTR, Quỹ BVPTR Việt Nam là cơ quan đầu mối tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định: Nguồn thu từ ERPA được điều phối cho Quỹ BVPTR 06 tỉnh Bắc Trung Bộ để chi trả cho các chủ rừng.

Báo cáo của Cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2023, tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là 4.130,40 tỷ đồng (Thu từ thủy điện, nước sạch, công nghiệp, du lịch sinh thái là hơn 3.133 tỷ đồng; Thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng là 997,03 tỷ đồng)…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích