Tăng cường phân cấp, bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển đô thị
(Xây dựng) – Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với Luật Quản lý phát triển đô thị trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023 (ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 06-NQ/TW
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với 9 nội dung gồm 7 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và 02 dự thảo Luật gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chính phủ đã nghe tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định; tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng luật, pháp lệnh; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; phân tích sâu các vấn đề căn cơ và có ý kiến tại các dự án luật, pháp lệnh.
Về đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị do Bộ Xây dựng chuẩn bị, các đại biểu tham dự phiên họp đã cùng phân tích chính sách về phân loại, quản lý phát triển bền vững hệ thống đô thị; quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị; quản lý phát triển hạ tầng đô thị; quản lý phát triển không gian ngầm đô thị.
Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý phát triển đô thị, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, khi xây dựng Luật cần chú trọng đến thiết kế đô thị, xây dựng công trình ngầm; cần quan tâm chế tài quản lý quy hoạch; có quy định trong việc ưu tiên tách riêng hệ thống nước thải đô thị để xử lý…
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ cũng như sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng pháp luật; khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các bên cần cần nhắc các nội dung đưa vào trong luật, tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị và pháp luật có liên quan; đánh giá một cách khách quan những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; đề xuất những quy định, biện pháp phù hợp; rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp, phân quyền; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức liên quan…
Các quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan đã nỗ lực đầu tư công sức và tổ chức nhiều hoạt động đem đến sự đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế. Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song công tác này vẫn còn nhiều nội dung cần thực hiện, nhất là trong bối cảnh vấn đề mới phát sinh hoặc quy định chưa theo kịp thực tiễn.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, các thành viên Chính phủ phải tiếp tục đổi mới và đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy quá trình xây dựng thể chế nhanh, kịp thời.
Hệ thống văn bản pháp luật phải có chất lượng nhằm khơi thông, tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy quá trình phát triển theo kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với lộ trình, bước chuyển tiếp phù hợp.
Trong đó, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình mới; đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho công tác thể chế; bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp.
Đồng thời, phải tăng cường vai trò người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý; có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan; có sự chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người có tâm huyết, ý kiến của nhân dân và tiếp thu, chắt lọc kinh nghiệm quốc tế áp dụng phù hợp vào điều kiện, hoàn cảnh đất nước.
Các bên phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, phải có công cụ để giám sát, kiểm tra; cắt giảm tối đa thủ tục, giảm tối đa chi phí không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành quyết liệt thực hiện chương trình công tác về xây dựng pháp luật còn lại của năm 2023; khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn nợ đọng, những văn bản có hiệu lực từ 1/1/2024; điều chỉnh và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị các hồ sơ tài liệu và tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các nhiệm vụ phục vụ các Kỳ họp tới đây của Quốc hội.
Nguồn: Báo xây dựng