Bình Dương: Công nghiệp và xây dựng là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế

(Xây dựng) – Ngày 27/12, tại cuộc họp giao ban Báo chí tháng 12, tỉnh Bình Dương đã công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 của tỉnh. Hầu hết, các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội, môi trường và đô thị thông minh của tỉnh Bình Dương đều tăng trưởng so với năm 2022. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế của tỉnh.

Bình Dương: Công nghiệp và xây dựng là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương thông tin một số nội dung được các phóng viên quan tâm tại Hội nghị.

Theo báo cáo, năm 2023, phát triển kinh tế (GRDP) của tỉnh Bình Dương tăng 5,97%; bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 66,26% – 23,71% – 2,64% – 7,39%.

Kết quả tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh từng bước phục hồi tích cực, công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế, chiếm 66,26% cơ cấu và đóng góp khoảng 70% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ các thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp VSIP 3, Cây Trường; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,95%; duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,99%.

Trong khi hoạt động dịch vụ có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 303.853 tỷ đồng (tăng 13,5% so với năm 2022), thì hoạt động thương mại ở chiều ngược lại. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ đô la Mỹ (giảm 7,3%); kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ đô la Mỹ (giảm 7%).

Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư phát triển, thực hiện 164.300 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Hoạt động đầu tư công, cập nhật đến 22/12 tỉnh Bình Dương có tổng giá trị giải ngân 15.536 tỷ đồng, đạt 69,55% kế hoạch tỉnh và đạt 123,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Lĩnh vực đầu tư trong và ngoài nước, tính đến 15/12 đầu tư trong nước thu hút 85.498 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, đầu tư nước ngoài thu hút 01 tỷ 495 triệu đô la Mỹ.

Về công tác tài chính – tín dụng của tỉnh Bình Dương, năm 2023 ước thu đạt 73.257 tỷ đồng, đạt 98% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 10% so với thực hiện năm 2022. Tổng chi cân đối ngân sách thực hiện 33.235 tỷ đồng, đạt 100% dự toán đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 289 nghìn tỷ đồng, tăng 4,52% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay ước đạt 306 nghìn tỷ đồng, tăng 7,11% so với cùng kỳ.

Bình Dương: Công nghiệp và xây dựng là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế
Toàn cảnh Hội nghị giao ban Báo chí và thông tin về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023 được UBND tỉnh Bình Dương tổ chức sáng 27/12.

Hoạt động quy hoạch và phát triển đô thị năm 2023 của tỉnh Bình Dương đã tập trung thực hiện rà soát, tích hợp các quy hoạch thành phần; lấy ý kiến góp ý của các tỉnh, thành phố và Bộ, ngành Trung ương đối với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thị xã Bến Cát, thành phố Thuận An; điều chỉnh cục bộ quy hoạch thành phố Thủ Dầu Một (quy hoạch năm 2012); công bố Dĩ An là đô thị loại II. Đồng thời, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và thị trường bất động sản cũng như ban hành chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021 – 2030; hoàn thiện đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; triển khai thực hiện đề án cây xanh đô thị…

Song song đó, trong năm 2023 tỉnh Bình Dương tổ chức khởi công các gói thầu đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Trong đó, kịp thời hướng dẫn, ổn định hoạt động kiểm định xe cơ giới và đào tạo, tổ chức các kỳ thi sát hạch lái xe; rà soát, sắp xếp các trạm thu phí và tổ chức giao thông trên một số tuyến đường.

Bên cạnh đó, đề án thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Hoạt động thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, quốc phòng an ninh và các lĩnh vực khác cũng được thông tin, trao đổi tại Hội nghị.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích