Nhật Bản, Trung Quốc nhất trí tham vấn việc xả nước thải từ nhà máy Fukushima

Nhật Bản, Trung Quốc nhất trí tham vấn việc xả nước thải từ nhà máy Fukushima

Ngày 26/12, chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí tổ chức tham vấn cấp chuyên gia về việc xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Dự kiến, các cuộc tham vấn sẽ diễn ra sớm nhất vào đầu năm 2024, với sự tham gia của giới chức các cơ quan chính phủ có liên quan tới vấn đề này. Trọng tâm thảo luận sẽ là “thu hẹp khoảng cách” về quan điểm liên quan tới sự an toàn của việc xả nước thải đã qua xử lý ra biển và hướng tới các giải pháp để Trung Quốc nối lại nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản của Nhật Bản.

Tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – Trung Quốc diễn ra hồi tháng 11/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đều thừa nhận hai bên có sự khác biệt trong quan điểm về việc xả nước thải ra biển, tuy nhiên hai nhà lãnh đạo đã nhất trí giải quyết vấn đề này thông qua tham vấn và đối thoại trên tinh thần xây dựng. 

tm-img-alt
Các bể chứa nước thải đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản ngày 24/8/2023. Ảnh: AFP

Về việc Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý ra biển, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) kết luận rằng kế hoạch xả nước thải của nước này phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Nhiều nước trên thế giới cũng ủng hộ Nhật Bản dựa trên báo cáo của IAEA, tuy nhiên Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy hải sản của Nhật Bản từ ngày 24/8.

Nhật Bản ‘bật đèn xanh’ cho việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân

Ngay sau đó, ngày 27/12, Cơ quan Quản lý Hạt nhân của Nhật Bản (NRA) đã dỡ bỏ lệnh cấm vận hành được áp đặt cách đây 2 năm đối với nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), qua đó mở đường cho quá trình hướng tới tái khởi động cơ sở này.

Viện dẫn những cải thiện trong hệ thống quản lý an toàn, NRA đã dỡ bỏ lệnh cấm TEPCO vận chuyển nhiên liệu uranium mới đến nhà máy hoặc nạp các thanh nhiên liệu vào các lò phản ứng của cơ sở này.

Với công suất 8.212 megawatt (MW), nhà máy Kashiwazaki-Kariwa, được đặt tại tỉnh Niigata trên bờ biển Nhật Bản, đã ngừng hoạt động kể từ khoảng năm 2011, khi thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 khiến tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản phải đóng cửa vào thời điểm đó. Năm 2021, NRA đã cấm TEPCO khởi động lại nhà máy Kashiwazaki-Kariwa sau khi phát hiện những sai sót nghiêm trọng trong đảm bảo an toàn . 

Hiện TEPCO hy vọng sẽ sớm đưa nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới này hoạt động trở lại để cắt giảm chi phí vận hành. Tuy nhiên, việc nối lại hoạt động của nhà máy Kashiwazaki-Kariwa vẫn cần có sự chấp thuận của chính quyền tỉnh Niigata.

Hồi năm 2021, NRA cho biết do TEPCO phải đối mặt với các khoản tiền bồi thường khổng lồ và các khoản chi phí khác bắt nguồn từ sự cố rò rỉ phóng xạ hồi năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, công ty này muốn nhà máy Kashiwazaki-Kariwa tiếp tục hoạt động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của các nhà máy nhiệt điện vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch vốn được cho là tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích